BA BA
Tên khác: Mai ba ba, Thùy ngư, Giáp ngư, Cua đinh, Miết xác, Miết nhục.
Tên khoa học: Amyda sinensis Stejneger syn. Trionyx sinensis Wegmann, họ Ba ba (Trionychidae). Ba ba được nuôi nhiều ở nước ta để làm thực phẩm, làm thuốc.
Mô tả: Ba ba có thân hình tròn, bầu dục, mặt lưng gồ cao lên, lưng bụng đều có mai, đầu nhọn. Cổ, đầu hoàn toàn có thể chui vào trong mai. Mai bụng lưng đều không có tấm dạng sừng mà có da mềm bao phủ, mặt lưng màu lục chàm hoặc đen nâu. mặt bụng màu vàng trắng.
Bộ phận dùng: Thịt, mai con Ba ba (Carapax Trionicys - Miết giáp) [Ngâm nước, rửa sạch thịt da, phơi khô, dùng cát nóng sao vàng, tẩm giấm (10kg dược liệu dùng 3kg giấm), rửa qua, phơi khô].
Thành phần hóa học chính: Miết giáp chứa keratin, muối khoáng.
Công dụng: Dùng làm thuốc bổ dưỡng, chữa đau nhức xương, huyết áp cao, trẻ em sốt co giật, phụ nữ bế kinh, ung nhọt...
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 10-30g, dạng thuốc sắc, bột, cao, thường dùng phối hợp với các v thuốc khác.
Bài thuốc:
1. Chữa sốt rét kéo dài, lách to: Miết giáp (nung dấm) 40g (sắc trước), Hoàng kỳ, Binh lang, Bạch thược đều 12g, Bạch truật, Xuyên pháp 4g, Sinh khương 3 lát, Táo 3 trái. Sắc uống ngày một thang.
2. Chữa lưng gối đau mỏi, đầu choáng mắt hoa, di tinh: Ba ba 1 con, Kỷ tử 30g, Hoài sơn 30g, Nữ trinh tử 15g. Ba ba làm sạch, chặt miếng, hầm cùng các vị thuốc, khi chín bỏ tã, thêm gia vị, ăn nóng.
3. Thuốc dưỡng âm bổ huyết, làm giảm mỡ máu và hạ huyết áp: Thịt ba ba 50g, Râu ngô 5g, Sơn tra 4g, Hồng táo 2 quả, Gừng tươi 1g, gia vị và nước vừa đủ. Thịt Ba ba thái miếng, hầm nhừ cùng dược liệu, khi chín bỏ Râu ngô, ăn cả cái và nước.
Lưu ý: Có nhiều loài Ba ba khác nhau đều được sử dụng để thu vị thuốc Miết giáp. Người ăn không tiêu, đi ỉa lỏng, phụ nữ có thai không dùng Miết giáp.