BÀI THUỐC ỐC BƯƠU
Tên khác: Ốc lác, Ốc bươu đen, Ốc mít conica, Điền loa, Ốc nhồi, Ốc đồng
Tên khoa học: Pila conica gray, họ Ốc nhồi (Pinidae). Ốc bươu sống ở trong ao, ruộng, hồ nước ngọt, hoặc trong đầm phá nước lợ, có ở hầu hết các địa phương nước ta...
Mô tả: Ốc bươu thuộc ngành Thân mềm, lớp chân bụng. Ốc cỡ lớn, mặt vỏ không bóng. Số tầng xoắn ốc từ 5-5,5. Các tầng Ốc phồng, rãnh xoắn nông, tầng Ốc cuối phình to, các tầng ốc trên nhỏ, thấp làm ốc có dáng tròn. Lỗ miệng vỏ loe rộng, tháp ốc lùn, vỏ không bóng. Nắp miệng có tâm ở gần cạnh trong. Ốc đẻ trứng, trứng nằm ở trong vỏ.
Bộ phận dùng: Cả con, dãi nhớt Ốc đồng (Điền loa diên). Thu điền loa diên tiến hành tương tự như với ốc nhồi.
Thành phần hóa học chính: Protid, lipid, các chất khoáng.
Công dụng: Ốc bươu vị ngọt, tính rất lạnh, dùng chữa ngứa lở, đau mắt, tỉnh rượu, chỉ khát, làm thuốc giải nhiệt, giải độc thuốc, trị đinh nhọt, sưng độc.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 10-20 con, dạng thuốc sắc, dùng ngoài, dùng riêng hay phối hợp các vị thuốc khác.
Bài thuốc:
1. Chữa lở ngứa: Ốc bươu 10 con, Cẩn thụ bì tán bột 30g chưng chín, đâm nhuyễn thêm 9g Phèn chua trộn nước muối xức.
2. Chữa đi ngoài ra máu vì dùng nhiều rượu: 5 con Ốc bươu lớn, đốt cho tới khi vỏ trắng, thịt khô, tán bột uống ngày 1 lần.
3. Chữa bí tiểu tiện, phù thũng: Ốc bươu lớn, Đại toán, Sa tiền tử, muối các vị bằng nhau, giã nát, đắp lên rốn. Hoặc dùng thịt Ốc bươu giã với 1 củ hành già và ít muối đắp vào rốn băng lại. Đi tiểu được thì tháo ra, lau sạch. Hoặc Điền loa diên 1g trộn rượu uống.
4. Chữa đại, tiểu tiện không thông: Ốc bươu 10-20 con, luộc ăn thịt và uống nước hằng ngày dùng nhiều ngày.
5. Trị đinh nhọt sưng độc: Ốc bươu bỏ vào 1 ít băng phiến, đắp nơi đau.