ỐC NÚI
Tên khác: Ốc sên núi, Oa ngưu
Tên khoa học: Bradybaena maacki Gerstfeldt, Eulota peliomphala Pfr., họ Ốc (Bradybaenidae). Ốc núi có nhiều ở các vùng núi phía Bắc nước ta đặc biệt là tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa và là món ăn đặc sản.
Mô tả: Là loài ốc cạn, có vỏ lớn hình cầu tròn đáy bằng thường cao khoảng 36mm, Ốc núi di chuyển chậm chạp, khi gặp bất thường thì rụt đầu vào vỏ cứng, dày rắn, màu vàng nâu.
Bộ phận dùng: Thịt ốc, thu bắt vào mùa hè, mùa thu, dùng tươi hoặc phơi khô dùng dần.
Thành phần hóa học chính: Protein, các chất khoáng.
Tính vị, công dụng: Thịt Ốc núi vị mặn, tính hàn, có tác dụng lợi thủy, tiêu thũng, thanh nhiệt giải độc, thường dùng khi tiểu tiện khó khăn, chữa nhọt, trĩ, quai bị.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 25- 50g ốc tươi, dạng thuốc sắc, dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác.
Bài thuốc:
1. Chữa tiểu tiện khó khăn: Ốc núi 25g, Hoạt thạch 15g, Hải kim sa 5g, sắc nước uống, ngày uống 2 lần.
2. Chữa ung nhọt: Ốc núi tươi 50g, Rau sam 50g, nghiền nhuyễn, bôi lên chỗ bị bệnh.
3. Chữa thoát giang: Ốc núi tươi 50g (sấy khô), Kha tử 25g, nghiền nhỏ các dược liệu, thêm mỡ lợn vừa đủ, nghiền đều, bôi lên chỗ nhọt. Hoặc Ốc núi 1 con (sao vàng), tán mịn, cho lên một miếng gạc, đắp lên vết thương.
4. Chữa trĩ: Ốc núi tươi 10 con, Hoàng liên 5g, hợp lại, nghiền kỹ, để vào bát sứ 1 ngày, mang lên bôi chỗ trĩ.
5. Chữa quai bị: Ốc núi, bột ngũ cố lượng vừa đủ, đun khuấy thành hồ, bôi lên má, ngày 2 lần.
Lưu ý: Các loại Ốc là vật chủ trung gian của nhiều loài giun sán gây bệnh, chỉ ăn ốc khi đã nấu chín hẳn. Không dùng tái hay sống.