BAN MIÊU
Tên khác: Nguyên thanh, Ban manh, Ban mao, Sâu đậu.
Tên khoa học: Mylabris cichorii L., Lyta vesicatoria Fabr, Mylabris phalerata Pallas, Cantharis vesicatoria Geof, họ Ban miêu (Meloidae). Là một số loài côn trùng có tính chất gây rộp da, dùng làm thuốc có nhiều địa phương ở nước ta.
Mô tả: Loài sâu nhỏ, có cánh cứng, màu xanh lục biếc, hoặc màu đen với các điểm màu vàng hoặc đỏ nhạt, có khi thân màu hơi vàng với các điểm hay dài ngang màu đen. Thân dài từ 15-20mm, ngang 4-6mm. Trên đầu có râu hình sợi, có 11 đốt. Giữa đầu và ngực có một chỗ thắt lại. Bụng tròn dài, dưới cánh cứng là hai cánh mềm.
Bộ phận dùng: Bắt sâu, nhúng vào nước sôi cho sâu chết, phơi hoặc sấy khô bảo quản trong lọ kín để nơi khô ráo.
Thành phần hóa học chính: Cantharidin là chất gây phồng da có hàm lượng tới 0,4%. (Các loài thuộc chi Mylabris có thể tới 1,25%).
Công dụng: Ban miêu vị cay, tính hàn, độc, được dùng làm thuốc rộp da, chữa tràng nhạc, chữa viêm thượng bì thận, làm thuốc thông tiểu, chữa phù, chữa lở nhọt lâu ngày, ác sang.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 1-2 con (0,4 - 0,8g). Chủ yếu dùng làm thuốc rộp da.
Bài thuốc:
1. Chữa lở nhọt lâu ngày, ác sang: Ban miêu (bỏ đầu, chân và cánh), trộn với gạo nếp tẩm ướt, sao vàng. Khi dùng có thể dùng Ban miêu bỏ gạo nếp, hoặc dùng gạo nếp bỏ Ban miêu (bệnh nhẹ), rổi tán bột trộn với các thuốc bột khác. Dùng để bôi ngoài.
2. Thuốc gây rộp: Ban miêu dùng ngoài với liều lượng thích hợp, nghiền bột hoặc tẩm rượu dấm hoặc chế thành dầu cao, cao dán, bôi vào nơi định gây rộp.
Lưu ý: - Sâu ban miêu rất độc, cần dùng đúng theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa.
- Cơ thể yếu, bệnh nặng không dùng Ban miêu. Ban miêu kỵ Ba đậu, Đan sâm và Cam thảo.