BỌ HUNG
Tên khác: Khương lang.
Tên khoa học: Catharsius molossus L., thuộc Bọ hung (Geotrupidae). Bọ hung có ở nhiều địa phương nước ta.
Mô tả: Là loài côn trùng cánh cứng, có thể dài 3-4cm, màu đen, mặt lưng hơi gồ lên, mặt bụng phắng, hai mặt đều trơn nhẵn và sáng bóng. Đầu bẹt có sừng nhọn. Cánh trước cứng chỉ phủ kín mặt lưng, làm nhiệm vụ bảo vệ, cánh sau rất mỏng, xếp dưới cánh cứng, chân có gai như răng cưa dùng để đào bới. Bọ hung sống gần những nơi nuôi gia súc như trâu, bò, ngựa, ăn phân của những con vật này và dùng chân sau đùn phân thành viên, rồi tha về tổ.
Thành phần hóa học chính: Protid, các chất khoáng.
Công dụng: Dược liệu có vị mặn, tính hàn, có độc, có tác dụng chống sài giật, trừ độc, tán ứ, rút gai dằm, tên đạn.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 1-2 con, dạng thuốc sắc, thuốc bột, dùng ngoài, dùng riêng hay phối hợp các vị thuốc khác.
Bài thuốc:
1. Chữa lam chướng, sốt rét: Bọ hung đốt tồn tính, tán nhỏ, uống mỗi lần 4g với nước tiểu trẻ em (Đồng tiện).
2. Chữa chứng kinh giản, phát cuồng, trẻ em sài giật, mụn nhọt, táo bón: Bọ hung 1 con nướng chín, tán nhỏ, sắc với 200ml nước còn 50ml, uống làm 1 lần trong ngày.
3. Chữa chốc đầu: Bọ hung 1 con, đốt tồn tính tán bột, cho bột này cùng với dầu vừng hoặc dầu lạc 50ml vào một củ ráy to đã khoét bỏ ruột. Nấu nhừ thành cao. Để nguội, bôi ngày 1-2 lần.
4. Chữa sỏi đường tiết niệu: Bọ hung sao vàng, tán bột mịn, uống mỗi lần 1-2g, ngày 2-3 lần.
Chú ý: Một số loài côn trùng cánh cứng khác cũng được sử dụng với công dụng tương tự.