CÁ BÒ
Tên khác: Hoàng tảng ngư.
Tên khoa học: Pseudobagrus fulvidraco Richardson syn. Tachysurus fulvidraco Richardson, Pelteobagrus fulvidraco Richardson, họ Cá lăng (Bagridae). Cá bò có nhiều ở các sông, suối miền núi nước ta.
Mô tả: Thân cá trần. Đầu dẹp bằng. Thân và đuôi dẹp bên. Mõm tù. Mắt ở 2 bên đầu. Khoảng cách 2 ổ mắt rộng, giữa có 1 rãnh dọc. Miệng ở dưới. Môi dày, có 4 đôi râu, khe mang rộng. Chiều dài vây lưng lớn hơn chiều dài tia vây ngực và bằng 2/3 chiều dài đầu. Vây ngực có khía răng cưa ở cả hai mặt, vây bụng ngắn. Thân màu vàng nhạt, có nhũng đám nâu.
Bộ phận dùng: Thịt cá và toàn con cá.
Thành phần hóa học chính: Protid, các chất khoáng.
Công dụng: Cá bò vị ngọt, tính bình, lợi tiểu tiện, ôn trung lý khí, tiêu thủy thũng, dùng chữa chứng ho lao lâu ngày, lở loét, đái vặt.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 1-2 con, dạng thực phẩm, dạng bột (đốt tồn tính), dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác.
Bài thuốc:
1. Chữa thủy thũng: Cá bò 3 con, Lục đậu 50g, Đại toán 3 tép, chia 2 lần uống.
2. Chữa tràng nhạc lở loét: Cá bò 1 con bỏ nội tạng, Hạt thầu dầu 20 hạt, cho hạt thầu dầu vào bụng cá, dùng đất sét vàng bọc lại, đốt tồn tính, bỏ bùn, nghiền mịn, trộn với dầu thực vật, bôi lên chỗ lở loét (trước khi bôi thuốc rửa sạch vết thương bằng nước muối).
3. Chữa ác sang: Cá bò thiêu tồn tính, nghiền mịn, trộn với dầu bôi lên vết thương.
4. Chữa tiểu tiện bất thông: Cá bò 1-2 con, bỏ nội tạng, thêm muối nấu chín để ăn.
5. Chữa đau sưng họng: Vảy, xương Cá bò đốt thành tro, nghiền mịn, dùng trà uống với thuốc.