CÀ CUỐNG
Tên khác: Sâu quế, Đà cuống, Long sắt, Điền miết, Đại điền miết, Ấn độ điền miết.
Tên khoa học: Lethocerus indicus Lepetetier et Serville syn. Belostoma indica Lepetetier et Serville, thuộc họ Cà cuống (Belostomatidae). Cà cuống có ở các tỉnh từ Bắc vào Nam, nhiều nhất ở miền Bắc, sống ở ruộng nước, hồ ao, lạch ngòi.
Mô tả: Cà cuống là loài côn trùng ăn thịt. Cơ thể giống con gián dài 6-7 cm, rộng 2,5 cm, màu nâu xám pha vàng nhạt. Đầu nhỏ, hình tam giác, hai mắt kép to tròn, đen, miệng có vòi hút nhọn. Lưng, ngực phát triển, có 3 đôi chân khỏe và dẹt, chia đốt và có móng nhọn sắc. Ở dưới ngực cà cuống đực, có hai túi nhỏ và dài chứa tinh dầu.
Bộ phận dùng: Thịt, trứng cà cuống cái, tinh dầu cà cuống đực. Bắt Cà cuống đem về vặt bỏ cánh, hấp chín, băm nhỏ làm gia vị. Tinh dầu, được lấy từ con Cà cuống đực bằng cách: Dùng đầu nhọn của que tre hay mũi dao rạch một đường ngang ở vị trí giữa đôi chân thứ ba, gấp bụng cà cuống xuống để bộc lộ hai túi tinh dầu, dùng cặp, gắp túi ra cho vào lọ nút mài chứa cồn 80%, đậy kín.
Thành phần hóa học chính: Thịt và trứng Cà cuống chứa protein, lipid và các vitamin. Tinh dầu cà cuống chứa chất thơm là một hexanol acetat.
Công dụng: Cà cuống có vị ngọt, cay, tính bình, không độc, có tác dụng bổ thận, tráng dương, lợi tiêu hóa.
Bài thuốc:
1. Bài thuốc bổ thận tráng dương, chữa chứng liệt dương, hoa mắt, yếu sinh lý: Cà cuống đực 15 con, Sá sùng 100g, Chim sẻ 5 con, Muối rang 2g, Mật ong vừa đủ. Cà cuống, Sá sùng phơi hoặc sấy khô, nướng giòn, tán nhỏ, cùng muối rang, rây bột mịn. Chim sẻ bỏ lông, bỏ phủ tạng, làm sạch đem sấy khô, nướng vàng, tán thành bột mịn. Trộn đều các bột và mật ong, làm thành viên bằng hạt ngô (0,3g). Ngày uống 2 lần, mỗi lần 10 viên.
Lưu ý: Cà cuống đã được ghi vào sách đỏ quốc gia để có biện pháp bảo vệ và gây nuôi, phát triển.