Địa chỉ: Số 88 Tô Vĩnh Diện - Khương Trung - Thanh Xuân - Hà Nội
Điện thoại: 0986.272.646 - Hotline : 1900545521
Website: www.vioba.vn - Email: [email protected]
GPKD số: 0103326684
Copyright by Vioba. All rights reserved

Hơn
70 ngày qua, các y bác sĩ Bệnh viện Việt Đức cố gắng giành giật sự sống cho một
nam thanh niên 17 tuổi, chỉ nặng khoảng 30 kg sau ca ghép phổi
Tháng
12-2018, các bác sĩ (BS) Bệnh viện (BV) Việt Đức đã ghép 5 tạng (1 tim, 2 phổi,
1 gan, 1 thận) cùng thời điểm cho 4 bệnh nhân và điều phối "xuyên Việt"
1 thận cho bệnh nhi ở TP HCM. Đây là lần đầu tiên toàn bộ ê-kíp các BS Việt Nam
thực hiện ghép phổi thành công, đánh dấu bước tiến vượt bậc của ngành ghép tạng
Việt Nam.
Ván bài sinh tử
Nam
bệnh nhân Nguyễn Văn Đ. (17 tuổi, ngụ tỉnh Hải Dương) được chuyển đến BV Việt Đức
từ Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai trong tình trạng phải thở ôxy và suy dinh dưỡng
nghiêm trọng (chỉ số BMI = 13,3). Sau 5 năm chống chọi với căn bệnh mô bào, cuộc
sống của Đ. gắn chặt với máy thở trên giường bệnh, tiên lượng cuộc sống sẽ dừng
lại rất sớm do bệnh đã ở giai đoạn cuối.
"Chúng
tôi đã bàn bạc hết sức kỹ càng và nâng lên đặt xuống mọi tình huống. Nếu không
ghép phổi, chắc chắn bệnh nhân sẽ chết. Đây là ván bài sinh tử và chúng tôi đã
quyết chọn phẫu thuật" - PGS-TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng Khoa Phẫu thuật tim
mạch và Lồng ngực, chia sẻ.
Thử
thách đã đến không chỉ đối với bệnh nhân mà còn với hàng trăm nhân viên y tế
tham gia ghép tạng. Việc loại bỏ những bệnh ở phổi vô cùng khó vì là bệnh lâu
ngày khiến phổi bị dính, nát, nhiễm trùng sẽ gây chảy máu. Nếu không cẩn thận,
biến chứng sẽ xảy ra nên việc phẫu thuật bóc phổi của người bệnh phải thực hiện
rất lâu. Trong khi đó, tạng của người hiến phải chờ lâu mà chưa ghép thì nguy
cơ bị hỏng. Các BS phải đổi quy trình là cắt từng phổi và ghép từng phổi rồi phải
tính toán để ít nhất còn một bên phổi tốt cứu bệnh nhân… Sau 15 giờ chạy đua với
thời gian, ê-kíp phẫu thuật gần 150 y, BS của BV Việt Đức đã thực hiện thành
công ca ghép phổi đầy khó khăn.
Được
ghép phổi từ người cho chết não, Nguyễn Văn Đ. đã chạm chân sang bên kia cửa sống
nhưng tính mạng vẫn đang bị đe dọa từng ngày. Nếu một vài ngày sau Tết nguyên
đán, Đ. có thể đi loanh quanh trong phòng thì nay lại tiếp tục xuất hiện các biến
chứng khiến bệnh nhân phải nằm, ngồi tại chỗ, không thể đi lại. Gia đình nghèo
khó, con trai mắc bệnh hiểm nghèo, số tiền 11 triệu đồng bố mẹ bệnh nhân vay mượn
để chữa bệnh của con đã hết từ rất lâu. Hiện mọi chi phí điều trị cho Đ. đều
trông chờ vào BV và sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm.
.
Trong
phòng cách ly luôn có nhân viên y tế túc trực 24/24 giờ theo dõi chỉ số sinh tồn
cho bệnh nhân
Khó không kêu được với ai
PGS
Nguyễn Hữu Ước chia sẻ khi nghe ghép phổi, nhiều người sẽ nghĩ kỹ thuật này đơn
giản hơn ghép tim nhưng thực tế khó khăn hơn rất nhiều. Đến thời điểm này, những
bệnh nhân được ghép tim, gan, thận đã xuất viện khá lâu còn bệnh nhân ghép phổi
vẫn điều trị trong phòng cách ly với gần chục loại máy móc hỗ trợ. Hơn 70 ngày
qua, lúc nào cũng có 1 BS và 1 điều dưỡng túc trực 24/24 giờ trong phòng bệnh.
"Khi quyết định ghép phổi cho bệnh nhân này, chúng tôi biết sẽ khó khăn, vất
vả, áp lực nhưng thực sự đến nay, có nhiều diễn biến nằm ngoài sự hình dung của
ê-kíp chăm sóc bệnh nhân" - PGS Ước nói.
Nếu
bệnh nhân ghép tim chỉ sau 24 giờ đã rút máy thở, 2-3 ngày bệnh nhân có thể ngồi
dậy ăn uống thì với bệnh nhân ghép phổi cả 2 tháng máy chạy rầm rập, việc chăm
sóc rất vất vả mà sức khỏe của bệnh nhân vẫn lên xuống phập phồng; nhất là bệnh
nhân đã nằm liệt 5 năm, cơ thể suy kiệt, mắc nhiều bệnh mạn tính, sức đề kháng
kém.
Ngày
nào các điều dưỡng cũng phải nội soi đường hô hấp, hút đờm trong phổi cho bệnh
nhân 1-2 lần. Nếu chậm soi là đờm ứ lại, bệnh nhân lập tức bị nhiễm trùng, suy
hô hấp. Khi cơ thể khỏe mạnh, phổi ghép mới có thể thực hiện được chức năng
này. Soi đường hô hấp của bệnh nhân này cũng không phải giống người bình thường
mà đường vào là miệng nối, chi chít sẹo nên việc soi hút rất khó. Ngoài ra, chỗ
khâu nối còn viêm nhiễm, phù nề, càng gây khó hơn. Do điều trị bệnh lâu ngày,
đường thở của bệnh nhân bị nhuyễn mềm, co thắt lại, các BS lại phải dùng stent
để đặt, nong đường thở ra.
Vì
thao tác thủ thuật thường xuyên, đường thở của bệnh nhân rất dễ bị nhiễm trùng,
cứ vài hôm lại có một vi khuẩn mới tấn công, lại phải dùng kháng sinh liều cao,
cơ thể dùng kháng sinh bị suy kiệt, lại có khả năng nhiễm bệnh, nhiễm trùng…
Vòng tuần hoàn đó luôn làm khó các BS. Ngoài ra, bản thân bệnh nhân đang dùng
thuốc chống thải ghép - thuốc làm suy giảm đề kháng của cơ thể nên việc điều chỉnh
thuốc hằng ngày trên nền một thiếu niên sức khỏe suy kiệt khá nan giải.
Bác
sĩ Phạm Tiến Quân - Phó Khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực (BV Việt Đức) -
chăm sóc cho bệnh nhân
Trực
tiếp chăm sóc bệnh nhân ghép phổi đặc biệt này, BS Phạm Tiến Quân, Phó trưởng
Khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực, cho biết làm việc trong môi trường kín
máy móc, người bệnh và 4 bức tường, các BS, điều dưỡng vẫn thường nói vui với
nhau rằng ghép tim thì tuần nào ghép cũng được nhưng nếu như tháng nào cũng
ghép phổi là nhân viên sẽ ốm hết. "Chúng tôi trực tiếp chăm sóc cho bệnh
nhân này cũng không thể hình dung hết những thử thách, trải nghiệm trong suốt
thời gian làm nghề mà ca ghép phổi này mang đến" - BS Quân chia sẻ.
Chi phí điều trị số âm
Theo PGS Nguyễn Hữu Ước, chi phí điều trị cho bệnh nhân này mất hàng chục triệu đồng mỗi ngày và tổng chi phí có thể lên tới 3 tỉ đồng, gấp đôi ghép tim. Vì thế, không chỉ chăm sóc, liên tục hội chẩn với các chuyên gia đầu ngành để tìm phương án điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, các nhân viên y tế còn tiếp tục làm cầu nối để xin tài trợ từ vật tư, thuốc, tiền để tiếp tục điều trị... Đến nay, chi phí điều trị cho bệnh nhân đang bị "âm", nhiều lần gia đình xin BS cho bệnh nhân về vì lo sợ và mệt mỏi. Lúc này, các BS phải giải thích, động viên gia đình bệnh nhân rất nhiều.