CHIM GÕ KIẾN
Tên khác: Gõ kiến xanh, Trác mộc điểu.
Tên khoa học: Picus canus Gmelin (Gõ kiến xanh), Picus canus hessei Cydenstolpe, Picus rabieri Oustales, Picus flavinucha archon Deignan, Dendrocopus Canicapilus obssurus La Touche (Gõ kiến nhỏ đầu xám), họ Gõ kiến (Picidae). Loài gõ kiến xanh chỉ có ở Miền Bắc Việt Nam, các loại khác có ở nhiều tỉnh nước ta.
Mô tả: Gõ kiến có mỏ dài, hình chóp nón, khỏe và thẳng. Lưỡi rất dài, hình trụ, mút có nhiều móc nhỏ bằng sừng và có nhiều tuyến tiết ra chất nhầy dính. Lông đuôi rất cứng dùng để làm điểm tựa leo trèo dọc theo thân cây. Gõ kiến ăn kiến và mối.
Bộ phận dùng: Cả con.
Tính vị, công dụng: Vị ngọt, tính bình có tác dụng tư bổ cường tráng, khai uất, bình can, được dùng chữa hư lao, cam tích, ế cách, bệnh kinh giản, trĩ lậu.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 1 con, dạng thực phẩm, thuốc bột, dùng riêng hay phối hợp các vị thuốc khác.
Bài thuốc:
1. Chữa phế kết hạch (lao phổi): Chim gõ kiến 1 con (sấy khô), Toàn phúc hoa 15g, Đương quy 15g, gộp lại, nghiền mịn, chia làm 4 lần uống vào sáng sớm, uống với rượu vàng cho ra mồ hôi.
2. Chữa sâu răng, đau răng: Chim gõ kiến, bỏ lông và nội tạng, thiêu tồn tính và nghiền mịn, xát vào chỗ đau ngày 3 lần.
3. Chữa trẻ con chậm biết đi, đứng, chạy: Chim gõ kiến 1 con, bỏ lông nấu chín để ăn, nội tạng, móng, vuốt, mỏ thiêu tồn tính trong nồi đất, nghiền mịn để uống.
4. Chữa đau dạ dày do thừa chua: Chim gõ kiến 1 con (bỏ lông, nội tạng sấy khô), Hải phiêu tiêu 50g, các dược liệu gộp lại, nghiền mịn, mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 6g, thêm nước để uống.
5. Chữa điên cuồng: Chân chim gõ kiến sấy giòn, nghiền thành bột, uống 6g với nước.