CHOẮT NÂU
Tên khác: Hồng cước duật.
Tên khoa học: Tringa totanus L.syn. Totanus totanus L., họ Dẽ (Scolopacidae). Choắt nâu có ở khắp các vùng đồng bằng, tập trung nhiều ở gần các bờ sông lớn, hồ lớn và các cửa sông, những chỗ có các bãi lầy.
Mô tả: Chim trưởng thành lưng nâu phớt lục vàng và có những điểm nâu. Phần dưới lưng và trên đuôi trắng có những vạch ngang, đen. Bụng trắng phớt xám ở hai bên ngực, giữa lông có một điểm đen nhạt, trừ các lông ở sườn, hung và dưới đuôi có những vạch ngang. Trên mặt trắng, trước mắt và má đen nhạt lẫn trắng. Lông cánh sơ cấp đen nhạt, các lông cánh thứ cấp trắng gần hết. Mùa đông mặt lưng nhiều màu xám nhạt và có ít điểm nâu hơn bộ lông mùa hè. Mặt bụng trắng. Mắt nâu. Mỏ đen ở mút và đỏ ở phần gốc. Chân đỏ vàng cam.
Bộ phận dùng: Cả con, bỏ lông và nội tạng, dùng tươi.
Thành phần hóa học chính: Protid, các chất khoáng.
Công dụng: Thịt chim choắt nâu có vị ngọt, tính ấm, có tác dụng tư dưỡng bổ hư, cường vị kiện tì, ích tinh minh mục, dùng cho bệnh nhân mệt mỏi, ốm yếu lâu ngày.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 10-30g, dạng thuốc sắc, dùng riêng hay phối hợp các vị thuốc khác.
Bài thuốc:
1. Chữa đau ốm lâu ngày: Thịt Choắt nâu 50g, Chim khách 1 con (bỏ lông và nội tạng), Hoàng kỳ 30g, Đảng sâm 30g, tất cả hầm chín, ăn thịt, uống nước, ngày dùng 2 lần.
2. Chữa can thận bất túc, nhìn các vật thể không rõ: Thịt Choắt nâu 50g, Dạ minh sa 10g, Thục địa 30g, các dược liệu hầm nhừ, ăn cái, uống nước, ngày 2 lần.
3. Chữa tỳ vị hư nhược, kém ăn: Thịt Choắt nâu 50g, Trần bì 10g, Mạch nha 10g, La bặc tử 10g, đun với nước, ăn thịt, uống nước thuốc. Ngày dùng 2 lần.
Lưu ý: Loài Numenius madagascariensis L. (Choắt mỏ cong hông nâu) cũng được dùng với cùng công dụng.