CHUỒN CHUỒN DẠO
Tên khác: Chuồn dạo, Hoàng y, Tinh đình.
Tên khoa học: Pantala flavescens Fabricius, họ Chuồn chuồn dạo (Libellulidae). Chuồn chuồn dạo có nhiều nơi ở nước ta.
Mô tả: Chuồn chuồn dạo dài đến 4,5 cm và có sải cánh từ 7,2 cm đến 8,4 cm. Phía trước đầu có màu vàng đến hơi đỏ. Ngực thường màu vàng đến vàng kim loại với đường kẻ và lông màu đen. Bụng có màu tương tự như ngực. Cánh trong suốt có thể chuyển thành hơi vàng ở mũi cánh, rộng ở chân cánh. Mắt cánh màu hơi vàng. Cặp mắt màu đỏ hạt dẻ chiếm gần hết đầu như các loài chuồn chuồn khác. Sau khi giao phối, các cặp chuồn chuồn bay dính vào nhau, đẻ trứng xuống nước, con cái đẻ trứng còn con đực thường vẫn dính vào con cái. Ấu trùng của loài chuồn chuồn này là loài săn mồi, chúng ăn các động vật không xương sống thủy sinh như ấu trùng con trùng thủy sinh và tôm, tép nhỏ.
Bộ phận dùng: Cả con, thu bắt quanh năm, dùng tươi hay phơi khô dùng dần.
Thành phần hóa học chính: Protein, các chất khoáng.
Tính vị, công năng: Chuồn chuồn dạo có vị ngọt, hơi hàn, giảm đau, bổ huyết, giảm ho. Thường dùng điều trị thiếu máu, nhức đầu, chóng mặt, chữa trẻ em ho gà.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 3-5 con, dạng thuốc sắc, thuốc bột, dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác.
Bài thuốc:
1. Chữa thiếu máu, nhức đầu chóng mặt: Chuồn chuồn dạo 5 con, nghiền thành bột mịn chia uống 3 lần trong ngày, uống liên tục trong nhiều ngày.
2. Chữa ho bách nhật (trẻ em ho gà): Chuồn chuồn dạo 5 con, Xuyên bối mẫu 5g, gộp lại, nghiền thành bột mịn, thêm ít mật ong, ngày uống 2 lần, uống liên tục trong nhiều ngày.
Lưu ý: Chuồn chuồn dạo còn được dùng làm thuốc bổ thận tráng dương, chữa thận hư, đau thắt lưng, dương nuy...