CU CU
Tên khác: Cu cu có hai loài: Loài lớn gọi là Đại đỗ quyên, Phổ thông đỗ quyên, Bồ cốc điểu, hay còn gọi là Quách công, Thi cưu. Loài nhỏ thường gọi là Tiểu đỗ quyên hay Đỗ quyên, Đỗ vũ, Tử quy.
Tên khoa học: Cuculus canorus bakeri Hartert (loài lớn), C.poliocephalus Latham (loài nhỏ), họ Cu cu (Cuculidae). Cu cu sinh sống ở nhiều địa phương miền núi, trung du nước ta.
Mô tả: Cả hai loài Cu cu thân nâu, ngực thường sáng hơn, có các dải vằn ngang. Sinh sản bằng cách đẻ trứng vào tổ các loài chim khác.
Bộ phận dùng: Toàn con chim, trừ lông và nội tạng, dùng tươi hoặc phơi khô dùng dần.
Tính vị, công dụng: Vị ngọt, tính bình, không độc, chữa tràng nhạc, thông tiện, chữa ho.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 5-7g, dạng thuốc bột, dùng như thực phẩm, dùng riêng hay phối hợp các vị thuốc khác.
Bài thuốc:
1. Chữa ho gà: Cu cu 1 con, bỏ nội tạng, thiêu tồn tính, nghiền mịn, mỗi lần uống 2g, ngày 2 lần.
2. Chữa tràng nhạc: Cu cu 1 con bỏ lông, nội tạng, nấu chín, ăn hàng ngày.
3. Chữa lậu (lâm ba kết hạch): Cu cu 1 con (sấy khô, tán bột), Huyền sâm 30g, Hạ khô thảo 15g, Hàu 50g, ba vị sau sắc nước, uống với 5g bột Cu cu.
4. Chữa táo bón: Cu cu 1 con (sấy khô, tán bột), Sinh địa hoàng 30g, Huyền sâm 30g, hai vị sau sắc nước uống với 5g bột Cu cu, ngày uống 3 lần.
5. Thiếu máu kinh niên, suy nhược: Cu cu 1 con, Hoàng kỳ 50g, Đương quy 10g, Thục địa 15g, các vị nấu chín kỹ, ăn cái, uống nước.
Lưu ý: Trong một số tài liệu y học cổ truyền trước đây (*) Bồ cốc được dùng để chỉ chim Chèo bẻo.
(*) Nam Dược Thần hiệu - Tuệ Tĩnh, Lĩnh Nam bản thảo - Hải Thượng Lãn Ông.