CUA ĐỒNG
Tên khác: Điền giải, Con rốc.
Tên khoa học: Somanniathelphusa sinensis H.Milne-Edwards, họ Cua đồng (Parathelphusidae). Có ở các địa phương nước ta.
Mô tả: Cua đồng thuộc nhóm cua nước ngọt và phân bố nhiều tại Việt Nam. Cua đồng có 8 chân, hai càng, một to và 1 nhỏ hơn, hai gọng cua đồng có màu vàng cháy, toàn thân có màu sắc nâu vàng. Cua đồng sống trong các hang, lỗ tại các bờ ruộng, bờ kênh.
Bộ phận dùng: Cả con.
Thành phần hóa học chính: Gạch cua nhiều cholesterol, cua đồng cũng có chứa nhiều sodium và purines.
Công dụng: Cua đồng có vị mặn, tính hàn, hơi độc, có tác dụng sinh phong liền gân nối xương, dùng trị nhiệt tà, bạt độc, trừ ghẻ lở và máu kết cục...
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 50-200g, dạng thuốc sắc, dùng riêng hay phối hợp các vị thuốc khác.
Bài thuốc:
1. Chữa vết thương đụng dập, lở loét: Cua đồng 2 con giã nát, rượu 1 chén, cho vào nồi đun sôi, gạn lấy nước uống, bã đắp vào chỗ đau.
2. Chữa sưng tấy: Mai cua 10g (sao vàng), Vảy tê tê 10g (sao phồng rộp), Gai bồ kết 10g (sấy khô). Tất cả tán bột, uống với rượu.
3. Chữa đau răng đau lợi do vị nhiệt: Cua đồng nấu với Mướp đắng, ăn hàng ngày. Đồng thời dùng phương thuốc: Hoàng cầm 10g, Chi tử 10g, Hoài sơn 16g, Liên nhục 12g, Đinh lăng 16g, Bồ công anh 16g, Chân cua đồng (sao vàng) 20g, Cam thảo 10g, Bạch thược 12g, Bạch mao căn 16g, Khổ qua 16g. Sắc uống, ngày 1 thang chia 2 lần.
4. Giải nhiệt mùa hè, trị lở ngứa: Cua đồng 200g bỏ yếm, mai, rửa sạch, giã nát, lọc lấy nước, Mướp hương 1-2 trái cạo vỏ, cắt miếng, Rau đay, Mồng tơi tươi mỗi thứ 100g rửa sạch, cắt đoạn. Đun sôi nước cua, cho các loại rau vào, đến khi mướp chín là được.
Lưu ý: Không được uống nước cua sống vì có thể chứa ký sinh trùng, ấu trùng sán lá.