DÂY HUỲNH
Tên khác: Bông vàng, Hoa đai vàng, Huỳnh anh.
Tên khoa học: Allamanda cathartica L., thuộc họ Trúc đào (Apocynaceae). Cây được trồng làm cảnh ở nhiểu nơi.
Mô tả: Cây nhỏ mọc thành bụi, trườn, có mủ trắng, không lông, nhánh tròn, cỡ 1cm, có cành dọc. Lá to mọc đối hay vòng 3-6, hình thuôn dài, đầu nhọn. Hoa mọc thành chùy gần ngọn, màu vàng tươi, to, gần như đều, lá đài rời, xanh, 3 to, 2 nhỏ, tràng có một ống hẹp rời rộng, 5 nhị đính ở trên phần hẹp, 5 vảy có lông, bầu hình trứng 1 ô, chứa nhiều noãn. Quả nang có gai, mở thành 2 van cứng, hạt ít. Ra hoa quanh năm, chủ yếu vào tháng 9-10.
Bộ phận dùng: Cành, lá và nhựa (Ramulus, Folium et Semen Allamandae Catiharticae), thu hái quanh năm.
Thành phần hóa học chính: Iridoid plumierid, nhựa mủ.
Công dụng: Cành lá làm thuốc tẩy, trị sốt, sốt rét, vàng da, chữa tê thấp. Các bộ phận của cây với liều thấp có tác dụng nhuận tràng, chữa táo bón, với liều cao, nó gây xổ, tẩy mạnh và gây nôn. Toàn cây làm thuốc chữa ghẻ ngứa, sát trùng, diệt bọ gậy. Bột Dây huỳnh làm nguyên liệu chế hương muỗi.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 12-15g, dạng thuốc sắc, dùng ngoài, ngâm rượu, dùng riêng hay phối hợp các vị thuốc khác.
Bài thuốc:
1. Chữa ho, nhức đầu: Lá Dây huỳnh giã nát, hãm với nước sôi, hít hơi bốc lên.
2. Chữa ngứa, ghẻ: Dây huỳnh sắc đặc, lấy nước rửa.
3. Thuốc diệt bọ gậy: Toàn cây Dây huỳnh giã nát, thêm nước, gạn, lọc lấy nước để dùng.
4. Bột Dây huỳnh làm nguyên liệu chế hương muỗi, dịch chiết tẩm cho các loại hương truyền thống thành hương muỗi.
Lưu ý: Vỏ cây, nhựa, hạt Dây huỳnh có độc, cẩn thận khi dùng.