GHẸ
Tên khác: Tam vưu toa tử giải, Toa tử giải, Thương giải, Hải bàng giải, Hải giải.
Tên khoa học: Portunus trituberculatus Miers (Ghẹ chấm, Ghẹ đốm, Ghẹ cát), Portunus pelagicus L. (Ghẹ xanh), Portunus sanguinolentus Stephenson (Ghẹ 3 chấm), họ Cua bơi (Portunidae). Ghẹ có ở nhiều địa phương dọc bờ biển nước ta.
Mô tả: Hình dạng gần giống cua, thân thường có hình thoi. Mai có thể rộng tới 15 cm và cao 7 cm. P. trituberculatus có thể phân biệt với các loài ghẹ khác bằng một loạt các khía răng cưa rộng trên phần trước của mai và trên mép trong của càng. Ghẹ sống trên nền đáy nông nhiều cát hay bùn, thức ăn chủ yếu của nó là các loại rong biển và cả các loài cá nhỏ, giun và động vật hai mảnh vỏ.
Bộ phận dùng: Vỏ ghẹ, thu nhặt quanh năm, làm sạch, sấy khô.
Thành phần hóa học chính: Chitin, chất khoáng (chủ yếu Ca).
Công dụng: Vị mặn, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, phá ứ tích, chỉ thống. Dùng chữa vô danh thũng độc, nhũ ung, đống sang, triệt đả tổn thương.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 15-30g, dạng thuốc bột, thuốc sắc, dùng ngoài không kể liều lượng.
Bài thuốc:
1. Chữa viêm tuyến vú: Vỏ ghẹ sao cháy, nghiền mịn uống với rượu mỗi lần uống 5g, ngày 3 lần, uống nhiều ngày.
2. Chữa triệt đả tổn thương: Vỏ ghẹ 3g, Hoàng qua tử 10g, các vị thuốc sao khô, tán mịn, uống với rượu ngày hai lần.
3. Chữa vô danh thũng độc: Vỏ ghẹ 3g, Xuyên sơn giáp 6g, Tạo giác thích 7 cái, các vị thuốc sao cháy, tán mịn uống với rượu.
4. Chữa nứt nẻ da do trời lạnh: Vỏ ghẹ 30g, thiêu tồn tính, nghiền mịn, uống với rượu.
Lưu ý: Phụ nữ có thai không dùng vỏ ghẹ.