GIÁN ĐẤT
Tên khác: Thổ miết trùng, Địa miết trùng, Địa ô quy, Tiết tiết trùng, Giá trùng, Bá ky trùng.
Tên khoa học: Eupolyphaga sinesis Walker syn. Heterogamia dohrniana Saussure, Eupolyphaga dohrniana Saussure, Polyphaga sinensis Walker. Gián đất có ở khắp nơi trong nước ta.
Mô tả: Loài côn trùng mình tròn, phần đầu, ngực và bụng phân chia không rõ ràng, sống trong đất, ăn tạp, có 3 đôi chân.
Bộ phận dùng: Cả con.
Thành phần hóa học chính: β- sitosterol, butyl alcohol...
Công dụng: Gián đất vị mặn, tính lạnh, có độc, có công dụng hoạt huyết hóa ứ, tiêu thũng, thông kinh lợi sữa, được dùng để chữa các chứng bế kinh, đau bụng sau sinh nở do ứ huyết, tắc tia sữa...
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 5-20 con, dạng thuốc sắc, thuốc bột, dùng ngoài, dùng riêng hay phối hợp các vị thuốc khác.
Bài thuốc:
1. Chữa đau lưng cấp: Gián đất 9 con sấy khô tán bột, chia uống 2 lần trong ngày.
2. Chữa bế kinh đau bụng: Gián đất 20 con, Đào nhân 20 hạt, Đại hoàng 15g, sấy khô tán bột, luyện mật làm hoàn, chia làm 4 phần, mỗi ngày uống 1 phần chia làm 2 lần.
3. Chữa tổn thương do trật đả gây đau nhức: Gián đất 5g, Trạch lan 20g, Nga bất thực thảo 20g, sắc uống.
4. Chữa viêm đa khớp dạng thấp: Thổ miết trùng 10g, Đương quy 15g, Thục địa 15g, Thương nhĩ tử 10g, Phòng trong (tổ ong) 10g, Ô xà 20g, Toàn yết 3g, Ngô công 2 con, Sơn giáp châu 10g, Sơn long 30g, Dâm dương hoắc 20g, Kê huyết đằng 25g, Khương tang 5 con, Hải đồng bì 15g, sắc uống mỗi ngày một thang.
5. Chữa bí tiểu tiện: Gián đất 10 con bò chân rang vàng, Mộc thông 10g, Xa tiền thảo 10g, Kinh giới 10g, Đăng tâm 10g, sắc uống. Hoặc Gián đất đâm với lá hành, củ tỏi, hòa với dầu vừng đắp vào rốn.
Lưu ý: Phụ nữ có thai không được dùng Địa miết trùng.