LỢN VÀ CÁC BÀI THUỐC LIÊN QUAN
Tên khác: Heo, Heo nái, Heo sữa, Heo hạch, Heo nọc.
Tên khoa học: Sus crofa domesticus Brisson, họ Lợn (Suidae).
Mô tả: Lợn thuộc về lớp động vật có vú, guốc chẵn, là loài ăn rất tạp, chóng lớn, đẻ nhiều được thuần hóa từ lâu đời nuôi để lấy thịt.
Bộ phận dùng: Tất cả các bộ phận của con Lợn: Thịt, xương, chân giò, mật, gan, bầu dục, phổi, bong bóng, ruột già, tủy...
Tính vị, công dụng, bài thuốc.
Thịt lợn: Vị mặn, ngọt, tính bình có tác dụng bổ thận tiêu thũng.
1. Chữa viêm thận phù thũng: Thịt lợn nạc 150-200g, Rễ dứa dại 30-60g, nấu thành canh ăn ngày một lần, một tuần ăn 3-4 lần. Kết hợp dùng Rau dừa nước khô 30-60g, Rau má 12-16g, Bông mã đề 10-12g, Bồ công anh 12-16g, sắc với nước uống ngày 1 thang.
2. Chữa chứng đái nhỏ giọt, niệu đạo nóng buốt: Thịt Lợn nạc 150-200g, Cây Chỉ thiên tươi 120g, một chút muối. Tất cả cho vào nồi, sắc lấy nước, bỏ bã, chia thành 4 lần uống trong ngày.
3. Chữa mũi hay chảy máu cam: Thịt lợn nạc 50g, Tơ hồng xanh 15-30g, thêm ít nước và rượu hầm lên ăn. Hoặc Gan lợn 100g, Cây Chỉ thiên tươi 20-30g, nấu ăn hàng ngày, dùng liên tục 5-7 ngày.
4. Chữa di tinh mộng tinh: Xương lợn 1-2 kg (xương ống tốt hơn), Rau mồng tơi, Đậu nành, Lạc, mỗi thứ một nắm. Hầm kỹ Xương lợn trong nồi áp suất rổi cho đậu lạc vào, cuối cùng cho rau mồng tơi nấu thêm 10 phút. Ăn nóng, 2 ngày dùng một lần, dùng 5-7 lần.
Mật lợn: Vị đắng, mùi tanh, tính lạnh, không độc, có tác dụng giảm đau, tiêu sưng, kích thích tiêu hóa và bài tiết mật, sát khuẩn và thông đại tiện.
5. Chữa viêm túi mật: Mật lợn, Mật ong lượng bằng nhau trộn đều, đun sôi, cô đặc thành cao. Ngày uống 2 lần, mỗi lần một thìa con.
6. Chữa xơ gan: Mật lợn 4 cái, Bột đậu xanh 500g, làm thuốc viên, mỗi lần uống 6-9g, ngày uống 3 lần.
Chân giò lợn: Vị mặn, tính bình, làm tăng tiết sữa.
7. Chữa khớp chân tay đau nhức do phong thấp: Móng chân giò Lợn 1 cái, Mồng tơi 100g, hầm với nước, ăn với cơm hằng ngày.
8. Chữa phụ nữ đẻ có ít sữa: Móng chân lợn 50g (sao với cát), Mộc thông 20g, Gạo nếp 100g, Xuyên sơn giáp 30g, Hoa chuối 100g. Sắc với 600ml nước, còn 300ml, chia làm 2 lần, uống trong ngày.
Gan lợn: Vị đắng, hơi mặn, tính hơi ấm, có tác dụng bình can, làm sáng mắt.
9. Chữa viêm giác mạc, đau mắt: Gan lợn 50g, thái miếng nấu với lá dâu (50g) thành canh, ăn cả cái lẫn nước.
10. Chữa xơ gan: Gan lợn 30g, nấu với vỏ dưa hấu (100g) để ăn.
Bầu dục lợn (cật lợn): Vị mặn, tính lạnh, có tác dụng bổ khí, lợi bàng quang, giảm đau.
11. Bổ thận tráng dương: Bầu dục lợn bộ thái nhỏ ướp gia vị. Sầu riêng chọn quả sắp chín, thái miếng nhỏ. Xào lẫn hai thứ, ăn nóng mỗi ngày 1 lần trong 5 ngày.
12. Chữa đau lưng do thận hư, tai ù, nghễnh ngãng: Bầu dục lợn 1 quả, xào với lá hẹ rồi nấu canh ăn. Nếu thái nhỏ, trộn với bột Cốt toái bổ, xào chín, ăn nóng chữa tiêu chảy cấp tính.
Phổi lợn: Vị nhạt, tính lạnh, làm mát phổi, giảm ho, trừ đờm.
13. Chữa viêm phế quản mạn tính: Phổi lợn (200g), rửa sạch, thái nhỏ, nấu với rau Diếp cá (60g), ăn cái, uống nước.
Bong bóng lợn: Vị ngọt mặn, tính lạnh, lợi tiểu, tăng tiết sữa.
14. Làm tăng tiết sữa: Bong bóng lợn nấu nhừ với lá Đinh lăng và gạo nếp thành cháo, ăn hàng ngày.
15. Chữa đái đêm nhiều: Bàng quang lợn 1 cái, làm sạch, ninh nhừ với Phá cố chỉ (15g). Ăn trước khi đi ngủ, cách một ngày ăn một lần.
Óc lợn: Vị ngọt, hàn, chữa nhức đầu, chóng mặt, chữa mụn nhọt.
16. Chữa thần kinh suy nhược, váng đầu hoa mắt: Óc lợn (1 bộ), Hoài sơn 30g, Câu kỷ tử 10g, sắc với 200ml nước còn 50ml, uống làm một lần trong ngày.
Ruột già lợn: Vị ngọt nhạt, tính lạnh, có tác dụng bổ hạ, tiêu viêm.
Tủy lợn: Vị ngọt, tính lạnh, có tác dụng bổ âm, ích tủy.