LƯƠN VÀ CÁC BÀI THUỐC LIÊN QUAN
Tên khác: Cá lươn, Hoàng thiện, Thiện ngư
Tên khoa học: Monopterus albus Zuiew, họ Lươn (Symbranchidae hoặc Flutidae). Lươn sống trong bùn ở ao hồ, ruộng nước, có nhiều ở vùng đồng bằng nước ta.
Thành phần hóa học chính: Protid, lipid, khoáng, vitamin...
Công dụng: Lươn có vị ngọt, tính ôn có tác dụng bổ khí dưỡng huyết, làm mạch gân cốt, thích hợp với các chứng lao lực, ho hen, tiêu khát, phong thấp đau nhức gân cốt, thận hư đau lưng, liệt thần kinh mặt. Lươn vàng còn có thể trị được tiểu đường và tăng cường trí nhớ.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 150-300g thịt lươn, dạng thức ăn, dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác.
Bài thuốc:
1. Chữa mồ hôi tay chân ra nhiều: Lươn 1 con làm sạch, luộc qua, gỡ lấy thịt, Ý dĩ nhân giã nhỏ thành bột, Gạo nếp 30g vo kỹ, để ráo nước, giã thành bột. Trộn 3 thứ, thêm ít muối, cho nước vừa đủ nấu thành cháo ăn khi còn nóng.
2. Canh lươn dùng cho người đái tháo đường: Lươn 200g, Bắc sa sâm 10g, Bách hợp 10g, Gừng, gia vị vừa đủ. Lươn làm sạch, bỏ ruột, xương, cắt đoạn nhỏ, cho Gừng sống vào đun sôi rồi cho Sa sâm, Bách hợp vào, đun nhỏ lửa trong nửa giờ. Ăn trong bữa cơm.
3. Chữa liệt mặt, méo mồm: Tiết lươn (1 phần), Nhựa cây duối hoặc Bột hạt Thầu dầu tía (2 phần). Đánh cho nhuyễn, phết lên giấy, dán vào má (bị bên này thì dán bên kia và ngược lại).
4. Chữa thần kinh suy nhược: Thịt lươn 250g thái nhỏ, hấp cách thủy với Hoài sơn, Bách hợp mỗi thứ 30g vừa nước vừa đủ. Ăn trong ngày, dùng nhiều ngày.
5. Chữa viêm gan mạn tính: Lươn vàng (2-3 con) làm thịt, bỏ ruột, Tang ký sinh 60g, Rễ lau 30g, nước vừa đủ. Tất cả đem nấu chín, ăn thịt lươn và nước.