MÈO RỪNG
Tên khác: Báo miêu, Ly, Ly miêu, Dã miêu, Chồn cáo, Cáo.
Tên khoa học: Felis bengalensis Kerr., họ Mèo (Felidae). Mèo rừng sinh trưởng và phát triển ở nhiều địa phương nước ta.
Mô tả: Mèo rừng giống mèo nhà, lông có các đốm như Báo. Thân thon nhỏ dài 50-60cm, kể cả đuôi, nặng 3-4kg, dáng nhanh nhẹn, nhẹ nhàng. Mặt và mõm ngắn, răng nhọn, sắc, cổ ngắn, tai vểnh, rất thính. Khướu giác nhạy, mắt sáng, lanh lợi, nhìn được trong bóng tối. Chân có móng vuốt, chạy nhảy nhẹ nhàng. Mèo rừng rất dễ nuôi, đã được phát triển để làm thuốc.
Bộ phận dùng: Thịt, cao toàn tính, mật, nước tiểu.
Thành phần hóa học chính: Chất khoáng, acid amin.
Tính vị, công dụng: Thịt mèo rừng (Ly nhục) vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng bổ trung ích khí, dùng làm thuốc trường phong hạ huyết, trĩ lậu tràng nhạc. Xương Mèo rừng (Ly cốt) có vị ngọt, cay, tính ấm không độc, có tác dụng khu phong, tráng cân cốt, tư bổ, an thần, sát trùng. Thường được dùng ngâm rượu, làm thuốc bổ, chữa bệnh suy nhược, đau nhức khớp xương...
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 50-100g dưới dạng nấu chín ăn hoặc sấy khô tán bột uống, dùng riêng hay phối hợp các vị thuốc khác.
Bài thuốc:
1. Chữa trĩ, đi ngoài ra máu, tràng nhạc: Thịt mèo rừng, sấy khô, tán bột, mỗi lần uống 4-8g. Hoặc Thịt mèo rừng 50-100g ninh nhừ, thêm ít muối ăn trong ngày.
2. Chữa cam, mụn nhọt độc lâu lành: Xương mèo rừng đốt tồn tính, tán thành bột mịn xoa lên vết thương.
3. Thuốc bổ, chữa suy nhược cơ thể, giảm đau nhức xương dùng cho người cao tuổi: Xương mèo rừng sấy khô, tán bột làm hoàn, ngày uống 1-2g.
4. Thuốc bổ, mạnh gân cốt, giảm đau nhức dùng cho người cao tuổi: Cao mèo rừng toàn tính ngâm rượu uống.