NHỆN CỎ
Tên khác: Nhện cỏ, Thảo tri thù, Mê cung lậu đẩu chu.
Tên khoa học: Agelena labyrinthica Clerck, họ Nhện (Agelenidae). Khắp nơi ở nước ta đều có loại nhện này.
Mô tả: Thân nhện cỏ thường có màu xám xanh, dài khoảng 8-14mm, đầu màu xám nâu, miệng nhỏ, ngực bụng màu nâu đỏ, bụng thuôn dài, bụng có 2 dải mỏng, sọc trắng và đốm nâu sắp xếp xen kẽ. Cơ quan sinh dục ngoài tạo thành "2 đuôi" là đặc điểm rất hiếm trong các loài nhện khác. Tổ nhện là tấm lưới dính khá rộng, ở trung tâm lưới có một túi nhỏ, bình thường nhện ẩn trong đó, khi có côn trùng dính bẫy, nhện chui ra bắt ăn hoặc đữa về túi để ăn.
Bộ phận dùng: Toàn con nhện, có thể thu bắt quanh năm dùng tươi hoặc phơi khô dùng dần.
Thành phần hóa học chính: Protid, các chất khoáng.
Tính vị công dụng: Vị đắng, tính lạnh, có độc, công năng giải độc tiêu thũng, chỉ thống được dùng để chữa các chứng tràng nhạc, viêm amydan, đinh thũng, lở ngứa.
Cách dùng, liều lượng: Dùng ngoài không kể liều lượng, thường đắp, bôi lên vết thương, dùng riêng hay phối hợp các vị thuốc khác.
Bài thuốc:
1. Chữa đinh thũng ác sang: (1) Lấy một lượng Nhện cỏ thích hợp giã nát đắp vào chỗ đau. (2) Nhện cỏ bỏ đầu lượng thích hợp giã nát với một chút đường đỏ rịt vào tổn thương. (3) Nhện cỏ lượng thích hợp (bỏ đầu) trộn với một ít cơm chua và muối ăn rồi giã nát, đắp vào chỗ đau.
2. Chữa viêm amydan: Nhện cỏ 7 con, Bọ ngựa 1 con, Móng tay người (Trảo giáp) 3g, Xà thoái 1 cái, tất cả sao tồn tính, tán bột, mỗi lần dùng một chút thổi vào trong họng.
3. Chữa các chứng tràng nhạc: Nhện cỏ 5-7 con (tươi), Ve sầu bụng đỏ 5 con (tươi), Tổ tò vò 10g (nghiền, rây lấy bột mịn), giã nhuyễn Nhện cỏ, Ve sầu bụng đỏ, cho bột tổ tò vò vào giã, trộn đều, thêm một ít mỡ vịt cho nhão, vừa để bôi lên vết thương.
'