Cốt khí củ (Polygonum cuspidatum Houtt.), thuộc họ rau răm (Polygonaceae), là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng phổ biến tại các nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản… Ở Việt Nam, cốt khí củ mọc hoang ở độ cao từ 1000-1600m và được trồng rải rác trong nhân dân ở vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ nước ta để điều trị các bệnh tê thấp, tổn thương đau đớn do bị ngã, bị thương.
Các nghiên cứu về thành phần hóa học cho thấy, trong rễ cốt khí củ có chứa nhiều hợp chất là các anthraquinon (emodin, physcion, anthraglycosid B, chrysophanol, rhein…) và các stilben (polydatin, resveratrol, resveratrol 4-O-D-(2’-galloyl)-glucopyranosid…), trong đó thành phần chiếm hàm lượng chủ yếu là các emodin, polydatin và resveratrol. Các hợp chất này đã được chứng minh có nhiều tác dụng dược lý có lợi cho sức khỏe con người như tác dụng chống viêm, chống oxy hóa, kháng khuẩn, chống ung thư… Vì vậy cốt khí củ được dùng làm thuốc trị các bệnh như sau:
- Trị các bệnh phong tê thấp, đau nhức gân xương cốt, đau gối, đau vai, lưng, và các khớp ngón tay, ngón chân... do có tính họat huyết: cốt khí củ, rễ tầm soọng, rễ cỏ xước, lá lốt, cam thảo dây, dây đau xương, mỗi vị 20g, sắc uống. uống liền 2-3 tuần.
- Trị đau đầu gối, sưng đau mu ban chân: cốt khí củ, rễ gối hạc, mỗi vị 12g, mộc thông, lá bìm bìm, mỗi vị 20g, sắc uống hằng ngày.
- Cốt khí củ thường phối hợp với các vị thuốc hoạt huyết: Ích mẫu, hồng hoa, đào nhân, kê huyết đằng... trị các bệnh đau bụng do bế kinh, đau bụng kinh nguyệt, sau đẻ huyết ứ, bụng căng trướng gây đau đớn hoặc sưng đau do sang chấn, té ngã...: cốt khí củ 20g, lá móng 30g, sắc uống, chia 2 lần trong ngày.
- Trị viêm gan cấp tính, có thể dùng cốt khí củ, chút chít, mỗi vị 15g, Lá móng 20g. Sắc uống, ngày một thang, uống liền 3- 4 tuần lễ.
- Trị viêm gan, viêm túi mật, sỏi mật, sỏi tiết niệu: cốt khí củ phối hợp với kim tiền thảo, xa tiền tử, tỳ giải, mỗi vị 12-16g sắc uống hằng ngày.
Cốt khí củ còn được dùng để trị các bệnh xơ cứng động mạch, bệnh ho, hen suyễn và tăng huyết áp... Tuy nhiên trong những trường hợp cụ thể, người ta thường phối hợp với các vị thuốc khác để tăng thêm hiệu quả điều trị.