NƯA CHUÔNG
Tên khác: Khoai nưa, Khoai nưa hoa chuông, Khoai na.
Tên khoa học: Amorphophallus paeoniifolius (Dennst.) Nicols. syn. A. campanulatus Blume ex Decne., Dracontium paeoniifolium Dennst., A. bangkokensis Gagnep., họ Ráy (Araceae). Nưa chuông mọc hoang ở khắp các vùng rừng núi ở nhiều tỉnh nước ta, được đem về trồng làm thức ăn cho người và gia súc.
Mô tả: Cây thảo sống hằng năm có thân củ nằm trong đất, củ hình bán cầu, rộng đến 20cm, mặt dưới lồi mang một số rễ phụ và có nhũng mấu lồi xung quanh, vỏ củ màu nâu, thịt trắng vàng và cứng. Lá mọc sau khi đã có hoa, thường chỉ có một lá có cuống cao tới 1,5m, màu xanh sẫm có đốm bột trắng, phiến chia làm ba nom tựa lá đu đủ. Cụm hoa gồm có một mo to màu đỏ xanh đốm trắng, mặt trong màu đỏ thẫm, bao lấy một bông mo là một trục mang phần hoa cái ở dưới, phần hoa đực ở trên.
Bộ phận dùng: Củ (Rhizoma Amorphophalli Paeoniifolii). Thu hoạch khi tàn cây, cạo sạch vỏ ngoài, thái miếng, phơi hay sấy khô.
Thành phần hóa học chính: Tinh bột (thành phần chủ yếu glucomannan), chất gây ngứa.
Công dụng: Vị cay, tính nóng, có độc. Củ có tác dụng lợi tiêu hóa, bổ dưỡng hồi phục sức khỏe, lợi trung tiện, dùng để chữa trị và kiết lỵ. Nếu dùng tươi, có tác dụng như một chất kích thích và làm long đờm và có thể dùng để trị thấp khớp cấp tính. Nưa chuông có thể dùng với cùng công dụng như cây Củ nưa, được trồng chủ yếu để lấy bột. Dọc Nưa chuông cũng ăn được, nhưng phải ngâm nước vo gạo cho hết ngứa.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 50-100g, dạng thực phẩm, dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác.
Bài thuốc:
1. Dùng làm thức ăn phụ cho người bị bệnh tiểu đường: Thân củ Nưa chuông thu hoạch khi tàn cây, cạo sạch vỏ ngoài phơi hay sấy khô. Khi dùng, nấu chín nhừ để ăn.
Lưu ý: Nưa chuông ban đầu ăn rất ngứa, ăn lâu quen dần.