RẮN LỤC
Tên khác: Trúc diệp thanh xà, Rắn lục đuôi đỏ.
Tên khoa học: Trimeresurus albolabris Gray, Trimeresurus monticola Gunther, Ovophis monticola Gunther, Trimeresurus covictus Bourret, họ Rắn lục (Viperidae). Rắn lục có nhiều loài khác nhau sinh sống khắp nơi ở nước ta.
Mô tả: Thân rắn lục màu xanh lá, chiều dài khoảng 60cm, cân nặng khoảng 300g. Con cái thường dài, to hơn con đực. Rắn lục thường sống trên cây. Rắn đẻ 5-10 trứng trong hốc đất hay trên đống rác. Trứng được rắn mẹ canh giữ cho đến khi nở. Loài Rắn lục đuôi đỏ có đuôi màu nâu đỏ là loài đặc biệt vì riêng loài này đẻ con, sau khi trứng được thụ tinh thì ở lại ngay trong bụng rắn mẹ, lúc sinh con phần bụng chỗ hậu môn sẽ rách ra và toàn bộ số rắn con sẽ chui ra, kết thúc cuộc đời rắn mẹ. Rắn lục rất độc nhất là Rắn lục đuôi đỏ. Thức ăn chủ yếu của rắn lục là chuột, chim, thằn lằn và ếch nhái.
Bộ phận dùng: Thịt rắn, xác rắn lột, mật rắn. Bắt rắn quanh năm, nhốt một vài ngày, mổ rắn, bỏ các cơ quan nội tạng, ngâm rượu hoặc phơi sấy khô tán bột.
Thành phần hóa học chính: Protid, các chất khoáng.
Tính vị, công dụng: Vị ngọt, mặn, tính ôn, có độc, khứ phong chỉ thống, thường dùng trong bệnh thấp khớp, đau dây thần kinh. Xác rắn lục lột thanh nhiệt giải độc, khu phong, sát trùng, dùng khi sưng đau yết hầu, giới tiển, kinh giản, đinh thũng, sang độc. Mật rắn lục chữa phế nhiệt, khái thấu, nhiều đờm, trẻ em kinh phong, mắt đỏ.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 3-9g, dạng thuốc hoàn, tễ, rượu, dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác.
Bài thuốc:
1. Chữa ác sang, tiết thũng: Rắn lục, sấy khô, tán mịn, mỗi lần dùng 1g, uống với nước ngày 3 lần.
2.
Chữa đinh nhọt, nhọt bọc: Rắn lục làm thịt, bỏ nội tạng, cắt thành khúc, ngâm trong dầu sở (ngâm trong khoảng nửa năm) dùng dầu bôi lên chỗ sưng nhọt ngày 3 lần.