RÁNG BIỂN
Tên khác: Ráng, Ráng dại.
Tên khoa học: Acrostichum aureum L., thuộc họ Ráng biển (Acrostichaceae). Cây mọc hoang ở bờ rạch, đầm nước mặn từ Bắc vào Nam, cây ưa sáng và ưa đất có nhiều mùn. Cũng thường gặp ở rừng thứ sinh hay chân núi cao.
Mô tả: Cây có thân rễ ngắn, to. Lá kép lông chim một lần, cao đến 3m, lá chét dài đến 40cm, dày, không lông, mép nguyên, gân phụ hình mạng, dưới cuống chính có nhiều gai giả do các cuống phụ biến thành. Lá sinh sản ở thân với các ổ túi màu nâu đỏ phủ khắp mặt dưới, trừ ở gân và mép lá.
Bộ phận dùng: Toàn cây (Herba Acrostichi Aurei), thu hái quanh năm, dùng tươi hoặc phơi khô dùng dần.
Thành phần hóa học chính: Carbohydrat, saponin, phytosterol, flavonoid (kaemferol, quercetin), tanin.
Công dụng: Ráng biển được dùng theo kinh nghiệm để chữa thấp khớp, điều trị hội chứng đau dạ dày, chữa các vết thương, vết bỏng. Lá dùng làm thuốc cầm máu. Thân lá sắc uống sát trùng, trừ giun sán và cầm máu. Dịch chiết trong cồn của Ráng biển có tác dụng chống viêm. Đọt lá Ráng biển non luộc ăn được. Lá khô dùng làm chổi, cuống lá dùng đan các làn xách tay.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 15-20g, dạng thuốc sắc, dùng riêng hay phối hợp các vị thuốc khác.
Bài thuốc:
1. Chữa thấp khớp, đau nhức xương: Thân rễ Ráng biển 12g, Dây Rung rúc 12g, Cây Vú bò 12g, Thiên niên kiện 10g, sắc uống.
2. Chữa đau dạ dày: Thân rễ Ráng biển 12g, Lá Khôi 10g, Lá Dung 10g, Bình vôi 6g, sắc uống.
3. Chữa vết thương, vết bỏng: Lá Ráng biển non giã nát, dùng đắp lên vết thương, vết bỏng.
Lưu ý: Một số địa phương dùng thân rễ cây Ráng biển theo công dụng của vị thuốc Quán chúng (Cyrtomium fortunei J. Sm).