RÙA CỔ SỌC
Tên khác: Hoa quy, Trân châu quy, Trường vĩ quy, Đài loan thảo quy.
Tên khoa học: Ocadia sinensis Boulenger, Emys sinensis Gray, E. bennettii Gray, Mauremys sinensis Gray, họ Rùa đầm (Emydidae). Rùa cổ sọc có ở nhiều địa phương miền núi nước ta.
Mô tả: Loài rùa có kích thước trung bình, mai hơi phồng, gờ sống lưng rõ. Yếm dài gần bằng mai, bờ trước gần phẳng, bờ sau lõm hình chữ V, bờ phía sau của yếm hơi tròn. Đầu bé, hàm trên có lõm ở giữa, da sau đầu nhẵn. Chi trước 5 ngón chi sau 4 ngón, các ngón có màng hoàn toàn. Mai màu nân, yếm nhạt, bên đầu có những sọc đen, trắng xen kẽ sọc nâu.
Bộ phận dùng: Mai (Quy giáp)
Thành phần hóa học chính: Protid, các chất khoáng.
Công dụng: Vị mặn ngọt, tính bình, có tác dụng tư âm tiềm dương, bổ thận, kiện cốt, dùng chữa can thận âm hư, cốt chưng lao nhiệt, thổ nục băng lậu, cũng được dùng như các loài rùa khác.
Bài thuốc:
1. Chữa lao hạch ở cổ (Tràng nhạc): Mai rùa cổ sọc nghiền mịn trộn với dầu, xoa lên chỗ lở loét, mỗi ngày thay thuốc 2 lần, phối hợp dùng các thuốc uống chữa lao hạch.
2. Chữa âm hư hỏa vượng, triều nhiệt đạo hãn, phế nuy lao nhiệt, ho khạc ra máu, chân gối đau mỏi: Quy giáp (nướng giòn) 190g, Thục địa hoàng (chưng với rượu) 190g, Tri mẫu (sao rượu) 120g, Hoàng bá (sao) 120g, các vị thuốc gộp lại, nghiền mịn, thêm tủy lợn (nấu chín), thêm mật ong làm thành viên uống ngày 2 lần vào sáng, tối mỗi lần 6-9g, có thể sắc thành thuốc nước dùng, có thể không dùng tủy lợn, mỗi ngày dùng 12-18g chia làm 2 lần uống.
Lưu ý: Số lượng Rùa cổ sọc ngoài tự nhiên ngày càng suy giảm dó săn bắt và bị khai thác quá mức, loài này được đưa vào danh lục đỏ của IUCN. Cấm triệt để săn bắt, buôn bán, cần tổ chức nhân nuôi.