SÁ SÙNG
Tên khác: Địa sâm, Sá trùng, Sâm đất, Nhân sâm biển, Giun biển, Bi bi, Con cạp đất, Đồn đột, Con chặt khoai.
Tên khoa học: Sipunculus nudus L., họ Sâu đất (Sipunculidae). Sá sùng thường tập trung ở bãi biển, dưới tán rừng ngập mặn ở các tỉnh dọc bờ biển nước ta.
Mô tả: Là loài giun biển, cỡ nhỏ dài khoảng 10cm, nặng 10 - 20g. Thân hình trụ thon tròn như cái ống, màu hồng nhạt. Phần giữa thân có 30 sợi cơ dọc xếp bao quanh, rất linh hoạt. Một đầu thân thuộc hẹp lại thành vòi tận cùng là miệng, có nhiều xúc tu rất nhỏ bao quanh, trực tràng và hậu môn nằm gần vòi. Đầu kia thắt lại, phẳng dẹt. Loài to (Sipunculus sp.), còn có tên là Địa sâm chuối, có thể nặng đến 120g, thân màu nây nhạt, hoạt động chậm chạp hơn.
Bộ phận dùng: Cả con, bỏ đất cát trong bụng trong bụng.
Thành phần hóa học chính: Thịt Sá sùng có hàm lượng protid cao, hương vị thơm ngon, được sử dụng làm thực phẩm và thuốc bổ dưỡng rất phổ biến trong cư dân vùng biển. Sá sùng thường dùng dưới dạng món ăn, vị thuốc như nấu cháo, nấu canh, nướng...
Công dụng: Dùng để chữa các bệnh âm hư, ra mồ hôi trộm, tức ngực, lao phổi, ho, đờm nhiều, bệnh đái dầm, sưng răng lợi...
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 4-8g dạng thuốc sắc, thuốc bột, dùng riêng hay phối hợp các vị thuốc khác.
Bài thuốc:
1. Chữa ho có đờm, hơi thở hổn hển tức ngực: Sá sùng khô 5g, Cát cánh 5g, Toàn phúc hoa 3g, sắc uống mỗi ngày 1 lần.
2. Chữa sưng răng lợi: Sá sùng tươi hoặc khô một lượng thích hợp. Đun canh uống, mỗi ngày 2 lần.
3. Chữa sốt về chiều, ra mồ hôi trộm: Sá sùng khô 5g, Thanh hao 5g, Địa cốt bì 3g, sắc uống mỗi ngày 1 lần.
4. Chữa yếu sinh lý, liệt dương: Sá sùng phơi hoặc sấy khô, nướng giòn, tán nhỏ, rây bột mịn, uống với liều 6-10g mỗi lần với nước ấm hoặc rượu, ngày dùng 3 lần.