SÂU CHÍT
Tên khác: Nam Đông trùng hạ thảo.
Tên khoa học: Là ấu trùng của loài Bướm Brihaspa astrosligmella Moore, họ Bướm đêm (Crambidae). Sâu chít sinh trưởng trong thân cây Chít, là đặc sản thiên nhiên có nhiều ở một số vùng núi phía Bắc như Lạng Sơn, Điện Biên, Sơn La.
Mô tả: Sâu dìa khoảng 35mm, màu vàng ngà, căng mọng, sống trong thân cây Chít (Đót) [Thysanolaena latifolia (Roxb. Ex Hornem) Honda] vào mùa đông, cắn đục thân cây ngừng sinh trưởng. Người ta thường thu hoạch Sâu chít vào tháng 11-12 hàng năm.
Bộ phận dùng: Thu hoạch Sâu chít bằng cách tìm những cây chít bị cụt ngọn, cắt ngang thân ở phía trên khoảng 50-60cm, chẻ đôi, lấy sâu. Rửa sạch sâu bằng nước muối, ngâm rượu hoặc rang, sấy khô. Khi dùng, tẩm sâu với mật ong, rồi lại sấy khô. Khi dùng, tẩm sâu với mật ong, rồi lại sấy khô.
Thành phần hóa học chính: Protid, các chất khoáng.
Công dụng: Sâu chít có vị ngọt, tính ôn, có tác dụng bổ tinh túy, ích phế thận, tráng dương khí, chữa suy nhược thần kinh, đau lưng do thận hư, liệt dương, mỏi gối.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 6-12g, dạng ngâm trong rượu. Có thể xào, nấu với trứng hoặc hầm với thịt ăn. Rượu ngâm Sâu chít lâu sẽ thấy lớp chất béo nổi lên trên, khi dùng phài lắc đều.
Bài thuốc:
1. Chữa các chứng suy nhược, chữa ho, đau lưng do thận hư: Sâu chít 50g Trứng gà 2 quả, đập trứng gà, thêm Sâu chít, hành hẹ đánh đều tráng trứng, mỗi ngày dùng một lần, dùng liên tục 6-7 ngày.
2. Tăng cường sinh lực cho nam giới, cải thiện da và sức khỏe phụ nữ, dùng cho những người thể trạng yếu: Sâu chít 500g, Đương quy 50g, Thiên niên kiện 50g, ngâm trong 3 lít rượu gạo tốt, sau 15 ngày (càng lâu càng tốt), dùng uống mỗi ngày 30ml.
3. Chữa các chứng suy nhược cơ thể, mới ốm dậy: Sâu chít 50g, Gạo tẻ 50g, Củ mài tươi 100g, nấu cháo ăn mỗi ngày một lần.
Lưu ý: Sâu chít được các lương y nước ta dùng tương tự như vị Đông trùng hạ thảo bắc nên có tên Nam đông trùng hạ thảo.