THẰN LẰN
Tên khác: Thằn lằn bóng, Rắn mối, Tịch dịch.
Tên khoa học: Mabuya multifasciata Kuhl, Eutropis multifasciata Kuhl, họ Thằn lằn bóng (Scincidae). Thằn lằn bóng (Scincidae). Thằn lằn sinh trưởng, phát triển ở nhiều địa phương nước ta.
Mô tả: Thằn lằn là loài bò sát có thân thon và tròn dài. Đầu to hình tam giác, đuôi thon dần thành mũi nhọn dài bằng thân. Bốn chân đều có 5 ngón, có móng. Da có vẩy sừng nhỏ xếp như vẩy cá, nhẵn bóng màu xanh xám nhạt có 2 đường vạch đen ở hai bên sườn.
Bộ phận dùng: Thằn lằn bắt về lột da, mổ bụng, bỏ hết nội tạng, rửa sạch, dùng tươi hoặc phơi sấy khô dùng dần.
Thành phần hóa học chính: Protid, lipid, các chất khoáng.
Tính vị, công dụng: Thằn lằn có vị mặn, tính bình, hơi độc, có tác dụng bồi bổ, trừ cam tích, thông niệu, tiêu viêm.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 1-4 con, dạng thức ăn.
Bài thuốc:
1. Chữa trẻ em xanh xao, chậm lớn, gầy yếu, hen suyễn: Thằn lằn 3-5 con lột da làm sạch. tẩm gia vị băm nhỏ, trộn trứng gà làm thành viên, gia vị vừa đủ, chiên vàng, ăn kèm rau, ngò tàu, rau thơm.
2. Chữa trẻ em mụn nhọt, lở loét lâu ngày: Thằn lằn 2-3 con nướng trên lửa than củi chín thơm, bỏ vảy lấy thịt, nấu cháo ăn hàng ngày.
3. Chữa chứng đau mỏi lưng, tay chân tê phong thấp, nhức mỏi: Thằn lằn 2-4 con, lột da, bỏ ruột, tẩm sả, ớt gia vị vừa đủ băm nhỏ trộn rau mùi tàu và xương xông, vo viên bọc lá lốt nướng ăn.
4. Chữa lở ngứa, nhức mỏi, khát nước: Thằn lằn 2-4 con nướng gỡ lấy thịt xào mỡ hành, tiêu cho thơm. Nấu cháo với đậu xanh, khi cháo chín nhừ, cho thịt, rau thơm vào sau, nấu sôi lên là ăn được.
5. Chữa bí tiểu tiểu tiện, tiểu tiện ra máu, sưng bộ phận sinh dục: Thằn lằn 1 con đốt tồn tính, tán bột, rây mịn, uống với rượu.
Lưu ý: - Phụ nữ có thai không được dùng Thằn lằn.
- Một số địa phương gọi con Thằn lằn mô tả trên là Rắn mối, gọi con Thạch sùng là Thằn lằn. Cần chú ý tránh nhầm lẫn.