THỎ
Tên khác: Thỏ nhà, Thỏ rừng.
Tên khoa học: Oryctolagus cuniculus domesticus Gmelin (Thỏ nhà), Lepus sinensis Gray, Lepus timidus L., Plecotus auritus L. (Thỏ rừng), họ Thỏ (Leporidae). Thỏ nhà được nuôi để phục vụ thí nghiệm y dược và lấy thịt. Thỏ rừng sinh trưởng và phát triển hoang dã ở một số địa phương miền núi.
Mô tả: Thỏ là động vật có vú nhỏ sinh sống ở nhiều nơi trên thế giới, có nhiều màu sắc khác nhau nâu, trắng, đốm, mõm nhọn, mắt tròn. Hai tai to thường vểnh lên, đuôi ngắn. Tuổi thọ của thỏ từ 4 tới 10 năm. Thỏ rừng giống thỏ nhà, lông thường có nhiều phần máu xám đen, xây tổ bằng cỏ, lá khô, cành cây dưới các bụi cây rậm.
Bộ phận dùng: Từ Thỏ cho nhiều vị thuốc dùng trong y học cổ truyền: Thịt thỏ (Thổ nhục), Huyết thỏ (Thố huyết), Xương thỏ (Thố cốt), Xương đầu thỏ (Thố đầu cốt), Gan thỏ (Thố can), Não thỏ (Thố não). Phân khô thỏ rừng (Sơn thố thi, vọng nguyệt sa, Minh nguyệt sa.
Thành phần hóa học chính: Thịt Thỏ chứa protid, các chất khoáng. Phân thỏ rừng chứa các sản phẩm của quá trình tiêu hóa, các chất khoáng.
Tính vị, công dụng: Thịt thỏ có vị ngọt, chua tính bình, có tác dụng bổ trung ích khí, hoạt huyết giải độc. Huyết thỏ vị mặn, tính hàn, không độc có tác dụng hoạt huyết, lương huyết, giải độc. Xương thỏ vị ngọt, chua tính bình có tác dụng trấn kinh, khu phong giải độc dùng chữa tiêu khát, đầu váng, mụn nhọt. Xương đầu thỏ chữa đau đầu, choáng váng, tiêu khát, đẻ khó, trẻ con cam lỵ, sang độc. Gan thỏ vị ngọt, đắng, mặn, tính hàn, có tác dụng bổ gan, sang mắt dùng chữa chứng choáng váng do gan yếu, mắt mở, tối, có màng mộng, đau mắt. Phân thỏ rừng vị cay, vào các kinh phế, can, có tác dụng làm sáng mắt, giải độc, sát trùng.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 200-300g thịt, dạng thực phẩm, dùng 3-6g vọng nguyệt sa, dạng thuốc sắc, dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác.
Bài thuốc:
1. Chữa suy nhược cơ thể sau khi ốm dậy: Thịt thỏ 200g, Đại táo 20g. Thịt thỏ cắt thành miếng nhỏ, hấp cách thủy hoặc nấu chín nhừ với Đại táo, ăn lúc còn nóng, liên tục trong 5-7 ngày.
2. Chữa chứng mất ngủ, hay mộng mị, tăng huyết áp: Thịt thỏ 300g, Bách hợp 12g, Tam thất 12g. Rửa sạch thịt thỏ, cắt thành miếng nhỏ, đun với dược liệu đến chín nhừ thêm gia vị vừa đủ, ăn lúc còn nóng, ngày một lần, dùng liên tục 5-10 ngày.
3. Chữa đau dạ dày: Thịt thỏ 1kg, Bạch truật 50g, hai thứ nấu chín kỹ, chia làm 3 lần để ăn.
4. Chữa ho có đờm: Bào thai thỏ sắp đẻ (thỏ nuôi, khỏe mạnh) giã nhuyễn, sấy khô, nghiền bột, thành phiến nhỏ 0,3g, dùng uống.
5. Chữa bệnh tim mạch: Huyết thỏ phơi khô trộn với chè búp lượng bằng nhau 200g, nhũ hương 100g, nghiền bột làm viên hoàn bằng hạt sen, mỗi lần uống pha 1 viên.
6. Chữa phụ nữ viêm đường sinh dục: Da thỏ đốt toàn tính tán nhỏ, uống 9g với rượu.
7. Chữa bỏng lửa: Lông thỏ lượng vừa đủ, đốt thành than, trộn đều với dầu vừng bôi vào chỗ bỏng.
8. Hỗ trợ điều trị tiểu đường, cơ thể yếu mòn, tiểu tiện bất cầm: Thịt thỏ 200g, Kỷ tử 15g. Đun nhỏ lửa với nước đến khi thịt chín nhừ, nêm gia vị vừa đủ cho người bệnh ăn hàng ngày liên tục 10-12 ngày.
9. Chữa giác mạc có màng: Vọng nguyệt sa 6g, Thảo quyết minh 9g, Thanh tương tử 9g, tán thành bột mịn, chia làm 3 lần uống mỗi ngày.
10. Chữa mắt mờ kéo màng: Vọng nguyệt sa tán thành bột mịn, mỗi lần uống 2,5g, ngày uống 3 lần.
11. Chữa trĩ: Vọng nguyệt sa 6g, Nhũ hương 1,5g, gộp lại, tán thành bột mịn, uống lúc đói bụng, mỗi ngày 2 lần.
12. Chữa sang chấn, nhiệt độc, nhập mắt: Vọng nguyệt sa 6g, tán bột mịn uống với trà mỗi ngày.
13. Thuốc bổ dùng cho những người làm việc nhiều bằng mắt: Gan thỏ nấu canh ăn mỗi tuần 1 lần.
Lưu ý: Phân của các loài thỏ hoang dã đều có thể làm thuốc như là Vọng nguyệt sa, phân thỏ nhà không sử dụng.
- Hiện nay nước ta còn phải nhập dược liệu Vọng nguyệt sa. Cần chú ý tổ chức khai thác nguồn dược liệu này.