TÔM TÍT
Tên khác: Tôm tích, Tôm thuyền, Bề bề, Tôm búa, Tôm bọ ngựa, Mantis shrimp, Tôm đế.
Tên khoa học: Squilla oratoria De Haan, syn. Oratosquilla oratoria De haan, họ Tôm tít (Squillidae). Tôm tít được dùng làm thực phẩm ở nhiều địa phương nước ta.
Mô tả: Tôm tít thuộc nhóm giáp xác, thường dài 10cm, có thể dài tới 30cm, vỏ cứng chia thành nhiều đốt, phía đầu có hai càng giống Bọ ngựa, có 8 đôi chân, 2 chân trước biến thành càng to, sử dụng để săn mồi, các đôi chân sau dùng để bơi. Tôm tít ăn các loại cá nhỏ, nhuyễn thể và giáp xác nhỏ hơn.
Bộ phận dùng: Cả con, dùng tươi hay phơi khô, thịt.
Thành phần hóa học: Protein, các chất khoáng.
Tính vị, công dụng: Tôm tít có vị ngọt mặn, tính ấm, bổ thận tráng dương ích tinh, sáp niệu, nhuyễn kiên, chỉ tả, chỉ hãn, được dùng làm thực phẩm, chữa di tinh mộng tinh, đái dầm, bệnh nhân bị chứng đi tiểu thường xuyên, bất lực, đau lưng thận, phụ nữ thiếu sau sinh nở.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 50-100g, dạng thuốc sắc, thực phẩm, dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác.
Bài thuốc:
1. Chữa đái dầm, đi tiểu nhiều: Tôm tít 50g, Tang phiêu tiêu 30g, Ích trí nhân 10g, Kim anh tử 20g, sắc nước uống mỗi ngàu 2 lần, mỗi đợt 7 ngày.
2. Chữa thận hư dương nuy: Tôm tít 50g, nấu ăn mỗi ngày 2 lần, dùng trong nhiều ngày.
3. Chữa dương hư, tự hãn: Tôm tít 50g, Hoàng kỳ 50g, Bạch truật 20g, sắc nước uống.
4. Chữa tỳ hư tiết tả: Tôm tít (sao khô) 50g, Bạch truật 20g, Phục linh 20g, Trạch tả 10g, các vị gộp lại, nghiền mịn, mỗi lần uống 5g, ngày 2 lần.
5. Thiếu sữa sau khi sinh: Tôm tít lượng vừa đủ, Chân lợn 1 cái, nấu thành cháo ăn thịt, uống nước, dùng hàng ngày.