TRAI NGỌC
Tên khác: Sò môi đen, Sò môi vàng, Trân châu, Trân châu mẫu.
Tên khoa học: Pinctada margaritifera L. (Trai ngọc môi đen), Pinctada maxima Jameson (Trai ngọc môi vàng), Mytilus margaritiferus L., Meleagrina Dunker, họ Trai ngọc (Pteriidae). Trai ngọc phát triển tự nhiên và được nuôi để lấy Ngọc trai làm đồ trang sức và làm thuốc.
Mô tả: Động vật thân mềm, hình gần tròn, dẹt. Thân bao bọc bởi 2 mảnh vỏ cứng, mặt ngoài sần sùi, có nhiều vân đồng tâm rất sít nhau dạng vảy mỏng, mặt trong sáng bóng ánh xà cừ, nhiều màu, mép có những răng tù không đều, màu vàng nâu. Trai ngọc môi đen có mép viền quanh vỏ màu nâu đen. Trai ngọc môi vàng vỏ gần như hình tròn, mặt trong vỏ óng ánh vàng. Nước ta có một số loài trai biển quý như Pteria martensii Dunker hoặc Avicula martensii Dunker, có thể tạo ra ngọc trai có giá trị cao.
Bộ phận dùng: Ngọc trai (Trân châu - Margartia), vỏ của con Trai (Trân châu mẫu - Perla). Có thể bắt lất ngọc trai thiên nhiên suốt năm, trai nuôi thì thường mò vào mùa đông. Trai nuôi 2 năm trở lên thì lấy được ngọc, lấy Trân châu, rửa sạch đất bụi, cho vào vải bọc kín, thêm Đậu phụ và nước vào thùng nấu khoảng 2 giờ, lấy ra rửa sạch, nghiền nát, cho vào ít nước nghiền thật nhuyễn, phơi khô.
Thành phần hóa học chính: Calci carbonat, chất hữu cơ.
Công dụng: Trân châu có vị ngọt, mặn, tính hàn, an tâm thần, trấn kinh, giải hỏa nhiệt, ích âm, làm sáng mắt, sinh cơ nhục. Chữa kinh phong, tâm thần không yên, nóng sốt, khát, họng đau, dùng ngoài trị mắt có màng mộng. Dùng trong mỹ phẩm làm nhuận da, trắng da, dưỡng nhan sắc. Trân châu bột có tác dụng chống lão hóa, chống rối loạn nhịp tim và chống tia bức xạ... Trân châu mẫu có vị mặn, tính mát có tác dụng bình can, tiềm dương, định kinh, chỉ huyết.
Cách dùng, liều lượng: Liều dùng 0,3-0,6 bột ngọc trai, 15-30g Trân châu mẫu, dùng dạng hoàn tán, dùng ngoài với liều thích hợp, hoặc tán bôi lên chỗ bệnh, dùng riêng hay phối hợp các vị thuốc khác.
Bài thuốc:
1. Chữa mắt đau, sưng và đỏ và sợ ánh sáng: Trân châu mẫu 20g, Cúc hoa 10g, Xa tiền tử 10g, sắc uống.
2. Chữa đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, mất ngủ: Dùng Trân châu mẫu 30g, Bạch thược 12g, Sinh địa 12g, Thạch quyết minh 5g, Long cốt 0,5g. Sắc uống.
3. Chữa sốt cao: Bột ngọc trai 0,3g, hãm với một bát nước sôi trong 10-30 phút, thêm 10g natri sulfat. Uống làm một lần trong ngày.
4. Chữa kinh giật, đàm nhiều gây tắc nghẹt: Ngọc trai 0,3g, Ngưu hoàng 0,3g, Đởm tinh 1g, Thiên trúc hoàng 2g, Hổ phách 1g, Hùng hoàng 0,2g, Chu sa 0,1g, Xạ hương 0,1g. Tất cả tán nhỏ, rây bột mịn, làm viên chia làm nhiều lần uống trong ngày.
5. Trị mắt bị màng mộng, viêm giác mạc, sưng thũng, đỏ đau: Trân châu 1g, địa du 12g. Địa du sắc nước riêng rồi lấy bột trân châu hòa vào uống, chia 2 lần uống trong ngày, trước bữa ăn.
6. Trị bệnh điên giản, trẻ con kinh phong, co giật, mất ngủ: Trân châu 1g, Phục thần, Câu đằng 12g, Bán hạ (chế) 10g, Cam thảo 8g. Trân châu nghiền thành bột mịn. Các vị còn lại tán bột. Trộn đều bột trân châu với bột của các vị thuốc trên, chia 3 lần uống trong ngày, trước bữa ăn với nước sôi để nguội. Hoặc luyện với mật làm thành viên nhỏ, có thể uống liền 1-2 tuần hoặc đến khi hết các triệu chứng.
7. Trị các chứng lở loét trong miệng: Trân châu, Bằng sa, Thanh đại đều 4g, Băng phiến 2g, Hoàng liên 8g, Nhân trung bạch 8g (nung qua). Dùng bột thấm vào chỗ loét.
8. Trị phát ban (nổi chấm, bớt, lốm đốm): Hạt Châu 7 cái nghiền nhỏ, dùng nước mới điều uống.
Lưu ý: - Nếu không bị thực hỏa hoặc tà nhiệt thì không nên dùng trân châu. Phụ nữ có thai không được dùng Ngọc trai.
- Trân châu mẫu (Concha Pteriae), là những hạt sần sùi nổi lên trong vỏ cứng của con trai, có tính vị như Trân châu cũng dùng với công dụng tương tự như Trân châu.
- Loài Trai có hình tai (Lamprotula leai Gray) có vỏ dày cũng được dùng như Trai ngọc.