TRẨU HOA TO
Tên khác: Tung, Trẩu lùn, Traru trơn, Trẩu trơn, Trẩu đồng, Du đồng, Đồng du thụ, Quang đồng, Tam niên thụ, Bách nên thụ.
Tên khoa học: Aleurites fordii Hemsl. syn. Vernicia fordii (Hemsl.) Airy-Shaw., họ Thầu dầu (Euphorbiaceae). Cây mọc hoang ở nhiều nơi, cũng được trồng để lấy hạt.
Mô tả: Cây gỗ nhỏ, cao tới 9-10m. Lá có phiến hình tim, thường không chia thùy, gốc hình tim hay như cắt ngang có 5 gân, có lông ở gân, cuống dài 5-20cm, có 2 tuyến ở đỉnh. Chùy hoa ở ngọn, tạp tính hay đơn tính khác gốc. Hoa lớn có màu trắng hay phớt hồng, đài hình trứng, cánh hoa 5 gần như bầu dục, dài 2,5cm, nhị 8-10. Quả nang tròn, to, đầu nhọn, bóng, hạt to.
Bộ phần dùng: Dễ, lá, hoa, quả, hạt và dầu hạt (Radix, Folium, Flos, Fructus, Semen et Oleum Verniciae). Rễ thu hái quanh năm rửa sạch, dùng tươi hoặc phơi khô dùng. Lá hoa thường dùng tươi.
Thành phần hóa học chính: Nhân hạt chứa dầu, saponin, acid hữu cơ, tanin, phytosterol.
Công dụng: Rễ được dùng trị giun đũa, ăn uống không tiêu đầy bụng, phong thấp đau nhức xương, thủy thũng. Lá dùng ngoài trị ngứa, lở, nấm, ghẻ. Hoa dùng trị vết thương cháy bỏng. Qủa trị sán khí, ăn uống không tiêu, bệnh về kinh nguyệt. Hạt dùng trị phong đàm đau họng, tràng nhạc, ghẻ nấm, bỏng lửa, mụn nhọt đơn độc, ăn uống không tiêu đầy bụng, đại tiểu tiện không thông.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 2-4g hạt, 20-30g rễ., 30-50g lá, dạng thuốc sắc, dùng riêng hay phối hợp các vị thuốc khác.
Bài thuốc:
1. Chữa ăn uống khó tiêu đầy bụng: Rễ Trẩu hoa to 30g sắc với nước để uống hoặc hầm với thịt để ăn.
2. Chữa lỵ trực trùng, lỵ amip: Lá Trẩu hoa to 45g sắc nước, cô đặc, chia 2 lần dùng trong ngày.
3. Chữa đại tiểu tiện không thông: Hạt Trẩu hoa to 2-4g, tán thành bột mịn, hòa với nước để uống.