VÀNG ANH
Tên khác: Vàng anh Trung Quốc, Hắc chẩm hoàng li, Hoàng li, Hoàng anh, Hoàng điểu.
Tên khoa học: Oriolus chinensis Sharpe, Oriolus diffusus Sharpe, họ Vàng anh (Oriolidae). Vàng anh sinh sống, làm tổ ở hầu khắp các tỉnh nước ta.
Mô tả: Chim cỡ nhỏ, sải cánh 14-15 cm, mỏ 25-30mm, đuôi dài 80-90mm, có một dải lông màu đen rộng 15-20mm qua hai mắt, kéo dài ra phía sau gáy màu đen. Lông lưng, bụng màu vàng nghệ tươi, các lông cánh đen có mép ngoài viền trắng nhạt rất hẹp, có một số lông cánh đen có viền vàng tươi khá rộng, càng vào trong đường viền này càng rộng và đến mép cuối của lông hoàn toàn vàng. Đuôi đen vàng ở phía trên, vàng phía dưới. Chim cái có màu xám hơn chim đực, và toàn bộ lông phớt xám lục. Màu đen ở đầu cánh và đuôi nhạt và hơi nâu, ở ngực có nhiều vạch đen nhạt. Mắt đỏ, mỏ hồng nhạt (mỏ chim non nâu hay nâu xám), chân xám.
Bộ phận dùng: Thịt. Mùa hè bắt chim, bỏ lông và nội tạng, thường dùng tươi hoặc phơi sấy khô dùng dần.
Thành phần hóa học chính: Protid, các chất khoáng.
Tính vị, công dụng: Thịt Vàng anh vị ngọt, tính ấm, bổ trung, ích khí, thư can, giải uất, dùng chữa tỳ vị hư nhược, trẻ em lười ăn, ăn uống kém tiêu.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 1 con, dạng thực phẩm, dùng riêng hay phối hợp các vị thuốc khác.
Bài thuốc:
1. Chữa tiêu hóa kém, ăn vào đầy bụng: Vàng anh 1 con, Sơn tra 30g, Mạch nha 15g, La bặc tử 15g, nấu chín kỹ, ăn thịt uống nước, ngày dùng 2 lần.
2. Chữa trẻ con tỳ vị hư nhược, chán ăn: Vàng anh 1 con, Đảng sâm, Phục linh, Bạch truật mỗi vị 9g, Trần bì, Cam thảo mỗi vị 5g, Vàng anh Trung Quốc và các vị dược liệu nấu chín kỹ ăn thịt uống nước mỗi ngày một lần, dùng liên tục 5 ngày