VE SẦU
Tên khác: Thuyền thoái, Trách thiền, Thiền thoái, Tri liễu xác.
Tên khoa học: Cryptotympana pustulata Fabricius, họ Ve sầu (Cicadidae). Ve sầu có rất nhiều loài, phân bố khắp nơi ở nước ta.
Mô tả: Là loài sâu bọ có vỏ cứng, có đốt. Con đực khi giao cấu xong thì chết, con cái đẻ trứng ở dưới vỏ cây hoặc khe đá. Trứng nở thành ấu trùng, sống dưới đất, sau đó nó bò lên, bám vào gốc cây rồi lột xác thành ve sầu trưởng thành.
Bộ phận dùng: Cả con, xác lột của con ve sầu (Periostracum Cicadae - Thuyền thoái, Thuyền thuế).
Thành phần hóa học chính: Thuyền thoái chứa chất kitin.
Công dụng: Thuyền thoái vị mặn ngọt, tính hàn, tuyên phế tán phong, giải nhiệt và giúp đậu sởi dễ mọc, dùng để chữa trẻ em sốt cao co giật, khóc đêm nhiều, cảm mạo, ho mất tiếng, thúc những nốt sởi chóng mọc ra ngoài, đau mắt đỏ, đinh sang thũng, thoát giang...
Cách dùng, liều dùng: Ngày 3-5 con Ve sầu, 2-6g Thuyền thoái dạng thuốc sắc, hoàn tán, thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác.
Bài thuốc:
1. Chữa trẻ em khóc dạ đề: Ve sầu 1 con, Cốc nha 10g, Mạch nha 10g, Phục linh 10g, Sinh thạch cao 15g, Trân châu mẫu 15g, sắc uống mỗi ngày 1 thang, liền trong 3 ngày, hoặc Thuyền thoái 3 cái, Hoa cúc bách nhật tươi 5 cụm, Cúc hoa 3g, sắc uống ngày một thang, hoặc Thiền thoái 50 cái, tán bột, chia uống 4 lần với nước sắc Câu đằng.
2. Chữa trẻ em sốt cao, co giật: Bột trân châu 0,3g (uống ngoài), Ve sầu 1 con, Phục linh 15g, Long cốt 30g, Bản lam căn 10g, Bồ công nah 10g, Câu đằng 15g (cho sau), sắc uống.
3. Chữa tắc tia sữa: Ve sầu 3 con, Cá giếc 1 con, Móng giò lợn 1 cái, gia vị vừa đủ hầm ăn.
4. Chữa trẻ em động kinh: Ve sầu 3 con, Bán hạ chế 10g, Trần bì 6g, Phục linh 10g, Chích thảo 5g, Khương trúc nhự 3g, Chỉ xác 6g, sắc uống mỗi ngày một thang, uống liền trong 1 tháng.