XỐNG RẮN
Tên khác: Cam thảo cây, Bản xe nhiều lá, Sống rắn.
Tên khoa học: Albizia myriophylla Benth., họ Đậu (Fabaceae). Cây mọc hoang ở triền rừng nhiều nơi trong nước ta.
Mô tả: Cây bụi cao 2-4m, mọc dựa vào cây to và vườn cao. Thân cành màu nâu, có cạnh, sau tròn, khi chặt có nước chảy ra. Vỏ cây có mùi thơm giống mùi Cam thảo. Lá kép hai lần lông chim chẵn gồm rất nhiều lá chét nhỏ, có 2 tuyến ở cuống lá. Hoa màu trắng mọc thành chùm ở đầu cành, có nhiều nhị. Qủa đậu rất mỏng, chứa 4-9 hạt. Mùa hoa quả tháng 4-11.
Bộ phận dùng: Vỏ thân, cành, vỏ rễ (Cortex et Cortex Radix Albiziae Myriophyllae), thu hái quanh năm, dùng tươi hay khô.
Thành phần hóa học chính: Các bộ phận của cây (vỏ cây, cành, vỏ rễ) chứa các lignanglycosid, chất ngọt.
Công dụng: Xống rắn có vị ngọt, tính mát có tác dụng tả can nhiệt, thoái tâm hỏa, lương huyết, giải độc. Vỏ cây có mùi thơm của Cam thảo được làm thuốc trị viêm phế quả, trị ho và làm bánh men để chế rượu. Rễ được dùng nấu nước giải khát và nhuận tràng, gỗ và quả dùng làm thuốc trị ho.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 10-20g, dạng thuốc sắc, dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác.
Bài thuốc:
1. Chữa ho, viêm phế quản: Vỏ thân hoặc quả Xống rắn 20g, Lá Dâu 12g, Mạch môn 12g, Huyền sâm 12g, các vị thuốc sắc với 400ml nước, còn 100ml chia 2 lần uống trong ngày.
2. Chữa vết thương chảy máu: Lá Xống rắn lượng vừa đủ, giã nát đắp lên vết thương để cầm máu.
3. Nước giải khát và nhuận tràng: Rễ Xống rắn, Bướm bạc, Lá Đùm đũm, cá vị thuốc lượng bằng nhau, chặt ngắn, sao vàng đun nước uống hàng ngày.
4. Chế nước tắm, gội đầu: Lá Xống rắn lượng vừa đủ đun lấy nước để tắm và gội đầu.